Thanh tra chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đặt ra nhiều yêu cầu mới cho hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thơm, Chánh Thanh tra tỉnh, xung quanh những thay đổi của ngành Thanh tra để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông NGUYỄN VĂN THƠM. Ảnh: K.T
Ông Nguyễn Văn Thơm cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Thanh tra đã tiến hành 62 cuộc thanh tra tại 87 đơn vị; trong đó có 51 cuộc thanh tra theo kế hoạch được duyệt và 11 cuộc thanh tra đột xuất.
UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời đã chỉ đạo thực hiện kịp thời các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm pháp luật.
Một số ngành, địa phương đã chủ động điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện phục hồi, phát triển KT-XH theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành công khai minh bạch, đúng quy trình nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Kết quả xử lý sau thanh tra được đảm bảo. Qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc sai phạm; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Xin ông cho biết, ngành Thanh tra có những giải pháp nào để thích ứng với tình hình thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh?
- Đầu tiên, cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết; không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển phương pháp tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thủ trưởng các cơ quan thanh tra cần chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với thực tế, bảo đảm thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19; tùy theo tình hình cụ thể để quyết định việc tạm dừng, giãn, hoãn cuộc thanh tra.
Thanh tra tỉnh công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Thanh tra tỉnh
Đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra cần triển khai thì nghiên cứu đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra trong các bước chuẩn bị, tiến hành, kết thúc thanh tra. Theo đó, nhiều đoàn thanh tra đã rút hồ sơ, tài liệu về cơ quan thanh tra để kiểm tra, xem xét; khi cần làm việc, trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến, hạn chế tối đa hoạt động thanh tra trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN nhưng vẫn bảo đảm quy định pháp luật về thanh tra và nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định. Khi thực sự cần thiết mới đến cơ quan, tổ chức, đơn vị kiểm tra, xác minh, nhất là những địa bàn, đơn vị đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh việc chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra phải chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch Covid-19, yêu cầu xuyên suốt trong công tác thanh tra là phải tránh chồng chéo, trùng lắp. Ngành đã chỉ đạo như thế nào để đảm bảo yêu cầu này trong năm 2022 tới đây, thưa ông?
- Căn cứ hướng dẫn của Thanh tra tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành khảo sát, nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu để xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, phê duyệt Kế hoạch Thanh tra năm 2022 theo đúng quy định. Kế hoạch này phải được phê duyệt theo đúng thời hạn quy định (trước ngày 15.12.2021); sau đó gửi về Thanh tra tỉnh để theo dõi, tổng hợp, xử lý chồng chéo, trùng lắp.
Quá trình xây dựng, thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2022, các ngành, địa phương chú trọng phối hợp, trao đổi thông tin với nhau, với các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và với Kiểm toán nhà nước để tránh chồng chéo, trùng lắp. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước cần thiết phải tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các DN, các ngành, địa phương phải quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 2943/UBND-NC ngày 12.6.2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Trường hợp khi triển khai quyết định thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện trước đó cơ quan, đơn vị, DN dự kiến tiến hành thanh tra, kiểm tra đã có các cơ quan khác thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước trong năm 2022, thì phải điều chỉnh quyết định thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lắp. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Y tế, NN&PTNT…) chú trọng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc.
Xin cảm ơn ông!
KHẢI THƯ (Thực hiện)