Vợ chồng trẻ say mê sáng tạo kỹ thuật
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 12 - 2021, vợ chồng TS Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) đoạt 2 giải - giải nhất và giải khuyến khích. Cả hai giải pháp đều được đánh giá có tính ứng dụng cao.
TS Đỗ Phương Anh chia sẻ: “Trong 7 lần tham gia Hội thi, có vài lần vợ tôi không cùng đứng tên ở vị trí tác giả, nhưng nghiên cứu nào của tôi cũng có công của cô ấy hết”. TS Phương Anh rạng rỡ hạnh phúc khi nói về người bạn đời của mình - cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Định).
Mỗi thành công của TS Đỗ Phương Anh đều có sự đồng hành của chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Ảnh: K. LINH
Nói về giải pháp “Nghiên cứu, chế tạo mực dẫn điện ứng dụng trong thiết kế mạch điện tử”, TS Phương Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã có nhiều thời gian nghiên cứu về nano bạc chuyển đổi từ dạng hạt sang dạng sợi. Với giải pháp này, chúng tôi sử dụng nguyên lý nano bạc để tạo ra một loại mực dẫn điện dùng để thiết kế mạch điện tử, phục vụ quá trình dạy học tại trường cũng như ứng dụng trong ngành điện dân dụng”.
Trong các thiết bị điện tử, các mạch điện đa phần là những bảng mạch đồng nên khi bị đứt thì được hàn lại bằng mỏ hàn nhiệt với vật liệu chì hoặc thiếc. Tuy vậy, một số bảng mạch đồng có lớp nhựa bên dưới, nếu hàn bằng mỏ hàn nhiệt sẽ làm cháy hoặc hỏng bảng mạch. TS Đỗ Phương Anh chế tạo ra dung dịch mực dẫn điện, có thể dẫn điện và kết dính tốt mà không dùng đến nhiệt. Dung dịch mực dẫn điện này được đựng trong một chiếc bút tiện lợi và nhỏ gọn. Tính độc đáo là sản phẩm ngoài ứng dụng vào đời sống, có thể dùng cho lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu khoa học và giảng dạy chương trình Vật lý phổ thông.
Giải pháp “Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và định hướng dạy học STEAM ở Trường THPT Trần Cao Vân” được thiết kế nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và dạy học theo hướng tích hợp liên môn trong nhà trường đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của trường. Nói về đam mê sáng tạo của mình, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: Tôi nghĩ đơn giản là người giáo viên cần trang bị kỹ năng tư duy sáng tạo để tạo ra những bài giảng mới, kích thích hứng thú học tập của học sinh; đồng thời, cũng để dễ dàng tiếp cận với học sinh, nhất là những em cá tính.
Dù mỗi người có công việc chuyên môn riêng của mình nhưng nhờ có chung niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật, vợ chồng TS Phương Anh dễ dàng đồng cảm, sẻ chia và tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Chị Tuyết kể: “Dù công việc bận rộn nhưng chúng tôi đều dành thời gian nghỉ ngơi cùng gia đình. Đó là dịp chúng tôi trao đổi với nhau về những ý tưởng của mình. Nếu là vấn đề cả hai cùng quan tâm, chúng tôi sẽ bắt tay vào thử sức để hiện thực hóa giải pháp đó”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình- Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh - chia sẻ: Trong số hàng trăm giải pháp tham gia hội thi từ trước đến nay, trường hợp hai vợ chồng cùng có giải pháp tham dự và đạt giải rất ít. Điều này cho thấy hội thi có sức lan tỏa mạnh, được xã hội quan tâm. Chúng tôi rất mong ngày càng có nhiều “cặp đôi” sáng tạo như thế.
KHÁNH LINH