Ðổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo
Xác định nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho đội ngũ cán bộ cơ sở, Trường Chính trị tỉnh đã luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc đổi mới nội dung giảng dạy được bắt đầu từ bài giảng của giảng viên. Trong đó, đề cao việc vận dụng lý luận gắn với thực tiễn, thực tế, tăng cường thực hành xử lý tình huống cho học viên nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, biết vận dụng sáng tạo những kiến thức cơ bản vào phân tích, tìm ra các biện pháp tối ưu để xử lý vấn đề mà thực tiễn công tác đặt ra.
Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Thành ủy Quy Nhơn mở lớp Trung cấp lý luận - hành chính cho cán bộ, công chức phường, xã. Ảnh: Minh Quang
Trên cơ sở chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đã cụ thể hóa để phù hợp với thực tiễn của tỉnh theo từng đối tượng học. Coi trọng việc đổi mới công tác biên soạn tài liệu, giáo trình, bảo đảm chiều sâu cũng như yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy từng học phần, từng bài giảng.
Việc cập nhật kiến thức mới được thực hiện theo quan điểm “động” và “mở”, thu hẹp khoảng cách giữa lý luận với thực tiễn cuộc sống. Trong tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy, tham khảo, Trường chủ trương cập nhật những quan điểm chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng, Nhà nước mà tài liệu giáo trình, chương trình chưa có. “Qua đó, nội dung bài giảng đã phù hợp, linh hoạt, sát với việc nhận thức và giải quyết vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong xã hội, đảm bảo cung cấp cho học viên tri thức khoa học, kỹ năng xử lý tình huống chính trị thực tiễn”, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Trần Hoài Sơn nhìn nhận.
Phương pháp giảng dạy cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Trường Chính trị tỉnh chỉ đạo, khuyến khích giảng viên kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp giảng dạy hiện đại, như kết hợp thuyết trình - làm việc nhóm, thuyết trình - giải quyết tình huống, thuyết trình - phỏng vấn, hỏi ý kiến chuyên gia…
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT theo hướng lấy học viên làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; gợi mở, thảo luận, trao đổi giữa giảng viên và học viên. Đối tượng học LLCT hành chính là những người có kinh nghiệm thực tiễn công tác, vì vậy, giảng viên khuyến khích học viên tự học hỏi và chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, thúc đẩy quá trình học của học viên, tạo cơ hội cho học viên tham gia tích cực vào quá trình dạy học.
Theo Phó Hiệu trưởng Phan Thanh Nhất, việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại trong dạy học giúp giảng viên nâng cao tính sáng tạo và linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy. Hiện nay, hầu hết giảng viên của Trường đều soạn, giảng bài trên phần mềm trình chiếu (Power Point). Công tác kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới thông qua viết bài khóa luận, tăng cường thi đề mở mang tính liên hệ thực tiễn cao. “Thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tế, học viên khái quát được những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Kết quả nghiên cứu thực tế là một trong những căn cứ đánh giá năng lực của học viên”, Phó Hiệu trưởng Phan Thanh Nhất cho biết.
Theo lãnh đạo nhà trường, qua khảo sát, đánh giá sơ bộ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở sau khi được đào tạo tại Trường đã phát huy, vận dụng tốt kiến thức được học trong quá trình công tác, đã và đang là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương, cơ sở.
MINH QUANG