Hai pho tượng do Võ Văn Dũng mang từ Bắc Hà về
Bảo tàng Quang Trung hiện đang lưu giữ, trưng bày hai pho tượng gỗ cổ, tương truyền do Đại tư đồ Võ Văn Dũng - một danh tướng triều Tây Sơn, mang từ Bắc Hà về thờ tại chùa Phước Sơn, đó là pho tượng Bồ tát Phổ Hiền và pho tượng Quan Công dạng ngồi (ảnh).
Tượng Bồ tát Phổ Hiền tạc theo kiểu ngồi thiền định với nét chạm sắc sảo, hai tay chắp trước ngực, mắt khép hờ nhìn xuống, vẻ mặt thánh thiện; áo tượng được phủ lớp sơn màu xanh nhạt có hoa văn hoa lá màu nhũ vàng; tay, chân, mặt tượng được sơn màu hồng da.
Tượng Quan Công được tạc không theo kiểu tượng và tranh Quan Công thường thấy (tay trái vuốt râu, tay phải cầm sách) mà trong tư thế ngồi, chân buông xuống ghế, đầu đội mũ. Trong nhóm các tranh, tượng Quan Công, đây là dáng tượng rất hiếm. Mặt tượng sơn màu đỏ, chòm râu không dài, mắt sáng cương nghị, dáng bộ uy nghi; hai tay tì lên đùi vòng qua trước bụng khuất trong tay áo, chỉ để lộ bên ngoài mỗi ngón tay cái của bàn tay phải; áo tượng được sơn bằng màu xanh lá đậm.
Theo các nhà nghiên cứu, năm 1786, Võ Văn Dũng theo Nguyễn Huệ ra Bắc diệt chúa Trịnh, sau đó ông đã thỉnh 3 tượng gỗ là tượng Phật A Di Đà, tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng Quan Công về thờ tại ngôi chùa của gia tộc - chùa Phước Sơn. Chùa Phước Sơn do tộc họ Võ ở Tây Sơn tạo dựng khoảng đầu thế kỷ XVIII tại thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, sau chuyển về xây dựng kiên cố tại vị trí hiện nay ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Trải qua hơn 230 năm, cả 3 pho tượng được sơn lại nhiều lớp nên mất màu sắc nguyên bản, nhưng dáng thế của tượng vẫn giữ nguyên gốc.
Hiện tại tượng Phật A Di Đà còn thờ tại chùa Phước Sơn, 2 pho tượng còn lại cùng thần vị thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, với sự thống nhất của gia tộc Võ, đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung.
ĐOAN NGỌC