Xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội
Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến được tổ chức vào ngày 24.11 tới nhằm chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đúng với tinh thần văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Nhân dịp này, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh đã chia sẻ với phóng viên Báo Bình Ðịnh về những thành tựu đã đạt được của ngành Văn hóa tỉnh Bình Ðịnh.
● Trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa Bình Định có nhiều thành tựu, đặc biệt là trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ông có thể chia sẻ?
- Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL, sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành và các địa phương, ngành Văn hóa tỉnh đã gặt hái nhiều thành công trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội truyền thống, bảo tàng, nghệ thuật biểu diễn; văn hóa, văn nghệ quần chúng; điện ảnh, thư viện, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; thiết chế văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa và gia đình...
Từ năm 2015 đến nay, nhiều di tích được đầu tư tôn tạo, xây dựng khang trang, như: Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, Đài Kính Thiên; tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành; các đền thờ: Đào Tấn, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực…, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân. Nhiều tháp Chăm được trùng tu, chỉnh trang cảnh quan trở thành điểm du lịch. Nhiều lễ hội, loại hình nghệ thuật truyền thống được giữ gìn, phát huy; đặc biệt di sản nghệ thuật bài chòi Bình Định cùng với Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Có thể nhận thấy các giá trị văn hóa đang được thúc đẩy chuyển thành giá trị phát triển mang nét văn hóa đặc trưng của Bình Định và được khai thác hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
● Nhìn lại những nét mới trong nâng tầm văn hóa Bình Định, ông tâm đắc điều gì nhất?
- Điều tôi thấy rất tâm đắc đầu tiên là công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành đặt tại trung tâm TP Quy Nhơn khánh thành năm 2017, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định khi được vinh dự lưu giữ những dấu tích liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ thời còn trẻ. Địa điểm này cũng là nơi tỉnh ta tổ chức nhiều sự kiện lớn, như Lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lễ hội đón giao thừa nhân dịp tết Nguyên đán… nhằm quảng bá hình ảnh Bình Định đến với du khách trong nước và quốc tế.
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ I - năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Một dấu ấn khó quên nữa là hiếm có nơi nào như Bình Định khi đích thân Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, đi đến tận thôn, làng để tặng cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, rồi thường xuyên đi thăm, kiểm tra kết quả bà con luyện tập cồng chiêng và chỉ đạo tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ I, năm 2019. Từ tâm huyết đó của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nay làng nào, trường dân tộc nội trú nào cũng có một bộ cồng chiêng, bà con tổ chức lễ hội hàng năm để lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó đã thể hiện tư duy đổi mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về quản lý, phát triển văn hóa, xây dựng con người Bình Định từ phát triển văn hóa cơ sở.
Ở lĩnh vực giải trí - lấy ví dụ điển hình là rạp chiếu phim, nếu trước đó ta chỉ có 1 rạp chiếu lạc hậu, thì nay hệ thống nhiều rạp, cụm rạp chiếu phim ở Quy Nhơn hiện đại không thua kém tỉnh thành nào, như: CGV Kim Cúc Plaza, Starlight Quy Nhơn, D-cine đáp ứng nhu cầu của công chúng. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật cũng để lại nhiều dấu ấn với sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa của tỉnh nhà…
● Để xây dựng và phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, theo ông, ngành Văn hóa cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thời gian tới?
- Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới được tổ chức đặt nhiều kỳ vọng về việc xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới. Đối với tỉnh ta, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đó là phát triển con người Bình Định đúng với tinh thần văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.
Ngành Văn hóa tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển KT-XH; xây dựng con người Bình Định phát triển toàn diện thông qua việc tăng cường giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ góp phần thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi. Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; phát huy giá trị di sản, nhất là nghệ thuật tuồng, bài chòi, võ cổ truyền Bình Định gắn kết với phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật. Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các công trình, dự án lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật…
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)