Vết thương đại dịch Covid-19 ở TPHCM
Hơn 17.000 người tử vong vì dịch Covid-19 tại TPHCM trong gần 7 tháng qua. Phần lớn bệnh nhân ra đi trong cô đơn và không thể có một tang lễ trọn vẹn.
Những ngày cuối tháng 7, Bùi Tiến Đạt cùng em trai tìm kiếm khắp các hội nhóm trên mạng xã hội để xin thông tin về mẹ của mình mắc Covid-19 nằm viện. Ruột gan anh nóng như lửa đốt khi 3 ngày trôi qua mà vẫn không biết tình trạng sức khỏe bà ra sao, Đạt chỉ biết mẹ bị hôn mê, đang thở máy tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TPHCM.
Sau nhiều bình luận trên fanpage của Bệnh viện Chợ Rẫy, Đạt được bạn bè chia sẻ và kết nối với ê kíp tác nghiệp của Zing tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hồi đó.
Đạt mừng rỡ khi phóng viên gửi một vài hình ảnh mẹ anh nằm trong phòng bệnh. Thế nhưng, anh không ngờ rằng, đó cũng là những hình ảnh cuối cùng của người mang nặng đẻ đau ra mình. Hai ngày sau, Đạt nhận tin từ bác sĩ, bà đã mất do Covid-19 trên thể trạng béo phì.
Cuộc trò chuyện của Bùi Minh Đạt và phóng viên Zing về tình trạng sức khỏe của mẹ trong lúc anh không thể liên lạc với bệnh viện.
Mẹ Đạt là Bà Ngô Thị Hà (55 tuổi), sống cùng con gái và cháu ngoại tại một xóm trọ nhỏ sát con kênh Tàu Hủ (quận 8). Đầu tháng 7, thứ dịch bệnh âm thầm lây lan trong khu trọ lúc nào không hay. Lần lượt những người trong xóm phải đi cách ly vì dương tính. Ngày 13.7, bà Hà đi cách ly. Ngày 7.8, con trai đi nhận tro cốt bà trước sự bất ngờ và đau xót của cả gia đình.
"Mẹ vui vẻ, dễ gần, nấu ăn ngon. Xa mẹ hơn 3 năm, năm nay mẹ hứa sinh nhật mình sẽ lên Biên Hòa để nấu cơm cho nhưng chưa kịp thì mẹ đi rồi", Đạt ngậm ngùi.
Bà Hà những ngày nguy kịch, nằm thở máy tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Đó chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp các gia đình ở TPHCM phải chịu nhiều mất mát, đau thương suốt gần 7 tháng qua. Những cuộc chia ly giữa bác sĩ và bệnh nhân cũng diễn ra mỗi ngày tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nơi được coi là thành trì cuối cùng giành giật sự sống cho bệnh nhân nguy kịch.
"Đôi lúc chúng ta phải thừa nhận rằng, khi nhân lực, máy móc không đủ phục vụ lượng lớn bệnh nhân cùng lúc thì phải lựa chọn những người trẻ tuổi, khả năng sống sót cao hơn", bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, từng nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh coi những lần giành giật sự sống cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là "trận chiến lớn nhất cuộc đời" và đợt làm nhiệm vụ điều trị tại TPHCM thật sự là thách thức rất lớn đối với các chiến sĩ áo trắng.
Các bác sĩ luôn chịu áp lực với với nhiều bệnh nhân Covid-19 tiên lượng tử vong mỗi ngày tại TPHCM
Cũng trong giai đoạn đỉnh điểm giữa tháng 8, những chuyến xe mai táng người mất do Covid-19 của Hà Nhi và những tình nguyện viên chạy suốt ngày đêm.
Cả đội thiện nguyện khoảng 40 người đều chưa ai từng nghĩ mình sẽ tham gia vào công việc mai táng, tiếp xúc với thi thể người chết nhiều đến vậy.
"Không ngờ phải đi mai táng lâu như vậy. Tính đến cuối tháng 9 thì mình có 2 tháng liên tục làm công việc này. Mỗi ngày, mình tiếp xúc 6-7 người đã mất, đa số đều do Covid-19", Hà Nhi chia sẻ.
Cả gia đình trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) đứng từ xa tiễn đưa người đàn ông 32 tuổi mất do Covid-19.
Không có vòng hoa, không kèn trống, những lễ tang giữa đại dịch Covid-19 tại TPHCM cứ diễn ra lặng lẽ.
Những gia đình có người mất do Covid-19 không biết làm gì khác ngoài chờ đợi đội mang táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục chờ đợi tro cốt họ trở về.
Giữa đêm, xe mai táng của nhóm thiện nguyện chở thi thể nạn nhân mất vì Covid-19 đến nơi hỏa táng.
Khi số lượng bệnh nhân Covid-19 trở nặng gia tăng, xu hướng tử vong nhắm vào nhóm người cao tuổi đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Bộ tư lệnh TPHCM thiết lập điểm tập kết tro cốt bệnh nhân Covid-19 tại Nhà tang lễ TPHCM để bàn giao cho ban chỉ huy quân sự các quận, huyện.
"Các cán bộ, chiến sĩ làm việc không kể ngày đêm, coi đó như tro cốt của người thân trong gia đình mình để đảm bảo tình cảm và sự tôn trọng", đại úy Sử Tấn Phi Long, Chính trị viên Đại đội trinh sát đặc nhiệm, Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TPHCM, chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan cùng em dâu đến nhận tro cốt của chồng tại Ban Chỉ huy Quân sự quận 10
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thống kê từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 18.11, TPHCM ghi nhận hơn 17.000 ca tử vong.
Đây là địa phương có số ca tử vong cao nhất, chiếm 74% số ca tử vong do Covid-19 trên cả nước. 86,5% ca tử vong trên 50 tuổi. Trong các trường hợp tử vong có khoảng 100 trẻ em và phụ nữ mang thai.
Một thi thể được đội mai táng bọc nylon gọn gàng, chờ người nhà làm lễ trước khi chuyển đi.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua, GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) dành nhiều thời gian nói về những mất mát do dịch Covid-19 để lại.
Ông bày tỏ sự đau xót khi hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào đã chết vì dịch bệnh và nhấn mạnh mất mát này là rất to lớn. Từ năm 1975 đến nay, đây là lần tổn thất về tính mạng con người nhiều nhất ở nước ta.
Thi thể một người mất do Covid-19 được nhân viên y tế xử lý ngay trước sảnh Cấp cứu, Bệnh viện quận 8.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, hầu hết người đã mất trong đại dịch ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên không được mai táng chu toàn.
"Xin đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức một ngày quốc tang cho những người đã mất vì dịch Covid-19", ông Trí tha thiết.
Thi thể người mất do Covid-19 được đội mai táng chuyển lên hòm lạnh trên ôtô.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, người mất vì Covid-19 không thể có một lễ tang trọn vẹn.
Sau nhiều tháng, hàng nghìn người vẫn chưa thể quên được nỗi đau mất đi người thân vì dịch Covid-19. Đó cũng là những mất mát khó quên của người dân cả nước.
Tối 19.11, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức tại điểm cầu TPHCM và điểm cầu Hà Nội. Lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Trung ương và các địa phương. Buổi lễ được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức.
Buổi lễ tưởng niệm giúp mọi người nhớ về các bệnh nhân không may mắn đồng thời tri ân các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19 giai đoạn khốc liệt vừa qua. Như lời GS.TS Nguyễn Anh Trí, dành cho họ ngày quốc tang hay một lễ tưởng niệm trang trọng là rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái đúng với đạo nghĩa của con người Việt Nam.
Theo Duy Hiệu (Zing.vn)