Cật lực, khẩn trương khắc phục sạt lở núi Cấm
(BĐ) - 5 ngày sau vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra, mọi thứ ở khu dân cư xóm 1 và xóm 2 phía dưới núi Cấm (thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát) vẫn hết sức ngổn ngang. Trong ngày 19.11, lực lượng quân đội, CA và thanh niên được huy động tổng lực, khẩn trương khắc phục hậu quả để người dân trở về cuộc sống bình thường.
Khu vực sạt lở bắt đầu ở đỉnh núi Cấm. Ảnh: HỒNG PHÚC
Núi Cấm sạt lở đã khiến người dân nơi đây mệt mỏi chạy sơ tán, nay lại phải nhọc nhằn dọn rửa nhà cửa, vườn tược. Việc tổ chức khắc phục của chính quyền và người dân gặp rất nhiều khó khăn do lượng bùn đất, đá sỏi, cây cối... từ trên núi Cấm đổ tràn xuống khu vực dân cư quá nhiều. Đến sáng 19.11, từ đường chính cho đến các ngõ xóm ở thôn Chánh Thắng nhìn đâu cũng chỉ thấy bùn đất, hàng chục nhà dân vẫn đang bị bùn đất vùi lấp sâu 0,5 - 1m, lòng suối thoát nước cho khu dân cư cũng bồi lấp hoàn toàn. Ngoài ra, mưa trong ngày 18.11 tiếp tục tạo thành dòng nước chảy xiết mang theo bùn đất tràn xuống dưới khu dân cư ở dưới núi Cấm.
Hàng ngàn khối đất đá từ núi Cấm sạt xuống kéo dài hàng trăm mét. Ảnh HỒNG PHÚC
Bùn đất san lấp một nửa nhà dân dưới chân núi. Ảnh: VĂN LƯU
Bà Lê Phương (73 tuổi, sống ở bên dưới chân núi Cấm) cho biết, tài sản trong nhà đã bị đất đá vùi lấp. Bà cùng chồng đã nhanh chóng rời đi để bảo toàn tính mạng. Lúc trở về, mọi thứ đều tan hoang. "Từ trước ra sau nhà phủ đầy đất đá. Lúa thóc, gà vịt đều bị chôn vùi. Gia đình phải nhờ bà con hàng xóm tới phụ giúp dọn dẹp, cào đất, hốt bùn đổ, không biết dọn đến khi nào mới xong", bà Phương ngao ngán nói.
Bà Phương lấy sức kéo bùn lầy trong nhà. Ảnh: VĂN LƯU
Cũng theo bà Phương, tại khu vực đỉnh núi Cấm vẫn còn nhiều hòn đá lớn mà nhân dân ở đây gọi là đá mục (không có chân) mà cứ mưa thế này, không biết đá lăn xuống đây bất cứ lúc nào. “Nó mà lăn xuống là cả làng này coi như tiêu tan hết. Tôi rất mong chính quyền địa phương tìm cách xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân”, bà Phương đề đạt nguyện vọng.
Nước mang bùn đất từ trên núi vẫn tiếp tục chảy xuống các khu dân cư ở Chánh Thắng. Ảnh: HỒNG PHÚC
Ghi nhận của phóng viên, trong sáng 19.11, ngoài các phương tiện cơ giới của địa phương, có hơn 170 người được tăng cường từ tỉnh, huyện xuống để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Trong đó, các máy múc tập trung cào hốt các lớp đất đá dày gần nửa mét trên các tuyến đường chính để nước có thể tiêu thoát; còn lực lượng quân đội, CA, thanh niên dùng cuốc, xẻng, cào bùn đất dồn đống để xe đến hốt. Ngoài ra, các lực lượng còn hỗ trợ người dân di dời lương thực và nhiều vật dụng chưa kịp di dời bị ngập ướt, hư hại đến nơi khô ráo, an toàn; làm tường chắn ngăn không cho đất đá tiếp tục tràn vào nhà. “Mấy ngày qua, chúng tôi tập trung giúp các hộ có nhà bị bùn đất tràn vô, di dời người và tài sản đến nơi an toàn và cùng với địa phương cắt cử lực lượng chốt chặn tuyến đường vào khu sạt lở để đảm bảo an toàn”, trung tá Võ Văn Thanh (cán bộ Ban CHQS huyện Phù Cát - Phụ trách công tác khắc phục hậu quả sạt lở ở thôn Chánh Thắng) chia sẻ.
Bùn đất từ nhà dân sẽ được khiêng ra ngoài tập kết để phương tiện cơ giới chở đi. Ảnh: HỒNG PHÚ
Lực lượng quân đội hỗ trợ người dân dọn bùn đất. Ảnh: HỒNG PHÚC
Còn ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành cho biết: Khu vực núi Cấm có 3 điểm sạt lở, ước tính có hơn 25.000m3 đất đá tràn xuống bồi lấp đường sá, cống thoát nước và nhà dân ở các khu dân cư ở thôn Chánh Thắng. Nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn, bởi chỉ cần xuất hiện một cơn mưa thì nước mang theo đất đá vẫn tiếp tục tràn xuống.
Hiện còn khoảng 30 hộ dân có nhà nằm trong vùng nguy hiểm chưa thể về nhà được. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để bố trí tái định cư khoảng 3 ha đất cho người dân nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở.
Các lực lượng tập trung dọn bùn đất ở khu vực phương tiện cơ giới không vào được. Ảnh: HỒNG PHÚC
Mọi thứ ở khu dân cư thôn Chánh Thắng vẫn hết sức ngổn ngang. Ảnh: HỒNG PHÚC
Các lực lượng sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đến khi công tác khắc phục hoàn thành.
HỒNG PHÚC - VĂN LƯU