Khảo sát tiềm năng phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh
(BĐ) - Ngày 19.11, Sở Du lịch chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch huyện Vĩnh Thạnh. Theo đó, đoàn công tác tham quan thực tế một số điểm đến ở Vĩnh Thạnh, như: Suối Tà Má, làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp); hồ Định Bình (xã Vĩnh Hảo); khu du lịch suối nước nóng Vĩnh Thịnh, hồ Hòn Lập làng M2 (xã Vĩnh Thịnh) và tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, các khu quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện.
Hồ Định Bình không nững có giá trị về mặt thủy lợi mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vĩnh Thạnh là huyện vùng cao được thiên nhiên ưu đãi có nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều giá trị văn hóa, bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được lưu giữ còn khá nguyên vẹn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, xã Vĩnh Sơn với khí hậu ôn đới, được mệnh danh là “Đà Lạt của Bình Định” có di tích lịch sử vườn cam Nguyễn Huệ, thành đá Tà Kơn, cùng thắng cảnh đẹp như thác Hang Dơi, thủy điện Vĩnh Sơn… thu hút nhiều du khách đến tham quan, đông nhất là du khách đến Vĩnh Sơn ngắm hoa đào vào dịp Tết.
Suối Tà Má ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp nổi tiếng bởi mùa hoa trang rừng được chọn là điểm ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch ở Vĩnh Thạnh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp các ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế đóng góp vào sự phát triển bền vững của huyện Vĩnh Thạnh, đưa Vĩnh Thạnh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Bình Định. Bước đầu ngành Du lịch đã lập đề cương đề án nói trên; trong đó, tập trung định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, như: Du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng gắn với khám phá thiên nhiên, làng nghề; du lịch ẩm thực. Trên cơ sở đó, huyện Vĩnh Thạnh cũng phối hợp các ngành chức năng của tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch, đào tạo nhân lực du lịch… để thực hiện đề án này.
Dân làng Hà Ri còn lưu giữ cây sộp cổ thụ hơn trăm tuổi là điểm check - in khá thú vị khi du khách đến đây. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khu du lịch suối nước nóng Vĩnh Thịnh hấp dẫn du khách đến tham quan. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NGỌC NHUẬN