NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11
Những nhà giáo tận tụy “đưa đò”...
Ba cô giáo của ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định được tuyên dương nhà giáo tiêu biểu không chỉ gắn với thành tích cao trong công tác giảng dạy, hơn hết còn là minh chứng cho những “người đưa đò” chỉ có tình yêu được thắp lên từ thời thanh xuân chưa đủ mà sẽ phải cố gắng rất nhiều để giữ cho tình yêu ấy luôn ấm nóng.
Đó là cô giáo Mai Thị Chi Thoa, Trường Mầm non Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) và cô giáo Võ Trương Như Thúy, Trường THPT số 1 Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) - 2 trong số 191 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021 toàn quốc được Bộ GD&ĐT tuyên dương; cô giáo Đặng Thị Oanh (Trường THCS Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) - 1 trong 50 tấm gương giáo viên tiêu biểu được Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 tuyên dương.
Đặt tình yêu thương trẻ lên trên hết
Mỗi bận ra chơi, các bé Trường Mầm non Quy Nhơn thích thú nhặt những chiếc lá rụng rồi túm tụm bàn về chiếc lá dài, lá tròn, lá xanh, lá đỏ, lá nhỏ, lá to… Quan sát tỉ mỉ, ghi lại mọi thứ, cô giáo Mai Thị Chi Thoa làm cuộc thăm dò các bé về “trò chơi” với chiếc lá. Bài học tìm hiểu tên gọi, kích thước, phân biệt màu sắc, hay làm những đồ chơi từ lá cây ra đời từ đó.
Cũng một dịp mùa mưa lũ, trong câu chuyện của các bé hiện lên câu hỏi vì sao chiếc thuyền nổi trên mặt nước? Cô Thoa lại trò chuyện và gợi ý cho các con về vật liệu để có thể làm chiếc thuyền nổi lên nước, có bé đưa ra câu trả lời ống hút, có bé bảo dùng que kem, hay hộp sữa… Cứ thế, tiết học khám phá, tạo hình “chiếc thuyền” bắt đầu một cách thú vị, các bé được tham gia vào quá trình làm (với sự hỗ trợ phụ huynh), thuyết trình về quá trình sáng tạo ra chiếc thuyền, rồi đưa ra kiểm chứng sản phẩm ở hồ nước nhỏ trên sân trường. Những tiết học như thế, giúp các bé phát triển toàn diện về tư duy, ngôn ngữ…
Đó là sáng kiến “Phát triển tư duy cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông qua phương pháp học dựa vào vấn đề” của cô Thoa trong năm học 2020 - 2021.
“Nhiều năm đảm nhiệm dạy lớp Lá, cô Thoa đã suy nghĩ nhiều về các phương pháp dạy học mới để chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những tiết học của cô Thoa trở thành những tiết học mẫu để các cô giáo trong trường học tập”, cô Nguyễn Thị Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quy Nhơn, chia sẻ.
Một phụ huynh gặp cô Thoa kể về điều kiện gia đình neo đơn phải gửi con gái nhờ hàng xóm trông giúp mỗi bận đi làm, dưới câu chuyện chắp nối của con gái về sự “va chạm” dù ở mức nựng nịu chứ chưa nghiêm trọng nhưng khiến chị “đứng ngồi không yên”. Cô Thoa nghĩ ngay đến chuyện xây dựng các tiết học giáo dục giới tính phù hợp với trẻ mầm non. Được sự ủng hộ của phụ huynh cũng như sự tiếp nhận tốt của trẻ, trẻ biết khi thay quần áo phải chọn nơi kín đáo, cách giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là quy tắc “5 vòng tròn giúp trẻ an toàn”, cô Thoa đúc rút thành sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao nhận thức giáo dục giới tính cho trẻ trong trường mầm non”.
“Một khi đã đặt tình yêu thương trẻ lên trên hết thì người làm thầy có động lực để luôn sáng tạo những phương pháp dạy tốt nhất cho trẻ. Với tôi, nghề giáo mang đến cho mình nhiều niềm vui và hạnh phúc, hạnh phúc bởi mình được làm những điều ý nghĩa mỗi ngày”, cô Thoa bộc bạch.
Hạnh phúc với thành đạt của học trò
25 năm đứng lớp, cô giáo Võ Trương Như Thúy là nhà giáo gương mẫu, có năng lực chuyên môn tốt được đánh giá “xuất sắc”, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua.
Là giáo viên dạy Tiếng Anh, Tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT số 1 Phù Mỹ, cô Thúy trăn trở khi học sinh có thể làm tốt bài kiểm tra ngữ pháp, đọc và viết trên giấy, nhưng thiếu khả năng giao tiếp bao gồm nói, nghe và sử dụng ngôn ngữ khi diễn đạt.
Năm học 2019 - 2022, cô Thúy sáng kiến dạy môn Tiếng Anh theo hướng phát triển năng lực cho học sinh lớp 10, chú trọng tạo môi trường để thực hành và sử dụng Tiếng Anh; áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm và dạy Tiếng Anh theo hướng giáo dục STEM, dạy học theo chủ đề tích hợp để phát triển năng lực của học sinh trong các bài học Tiếng Anh. Qua đó đã tạo điều kiện tốt cho học sinh lớp 10 thể hiện và khẳng định bản thân thông qua các dự án học tập, thiết kế bản đồ tư duy, thể hiện kiến thức và khả năng sử dụng ngôn ngữ; giúp các em mở rộng phát triển vốn từ vựng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, phát triển năng lực v à tư duy sáng tạo.
Theo cô Thúy, người Thầy hiện nay luôn phải tự hoàn thiện chính bản thân mình về mọi mặt, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tâm niệm nghề giáo không chỉ là dạy biết chữ, biết cách làm người, người làm nghề còn phải có trách nhiệm dạy cho học sinh sống có hoài bão, giàu lòng nhân ái. Đó là động lực để cô Thúy còn là “tác giả” của những sáng kiến về “đề xuất một số biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh”, hay “đề xuất những giải pháp phát huy kỹ năng sống cho học sinh”…
Là tấm gương điển hình của ngành GD&ĐT tỉnh trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2020, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… nhưng cô Thúy cho rằng: “Thành công nhất mà tôi có được sau hơn 20 năm trong nghề đó là vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề. Khi nhiệt huyết luôn còn nghĩa là những bài giảng của mình vẫn sẽ được truyền lửa đến học sinh nhiều thế hệ. Với tôi, thành công của nghề giáo luôn hóa thân trong sự thành đạt của học trò ở tương lai”.
Tìm ngọc trong đá…
Nói về cô giáo Đặng Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Tài - cô Đặng Thị Thủy Hồng, dành tất cả sự trân trọng: Không chỉ xuất sắc trong công tác giảng dạy, cô Oanh còn là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, tấm gương ấy cứ sáng mãi kể từ những ngày đầu vào nghề cho đến tận hôm nay. Yêu thương học sinh hết mực, cần mẫn, tìm tòi những phương pháp, cách thức dạy học hiệu quả, điều đó được thể hiện rất rõ thông qua kết quả học sinh giỏi môn Hóa học do cô dạy bồi dưỡng. Cô Oanh đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Ngày ngày gắn mình với những quy trình nghiên cứu pha chế hóa chất, thử nghiệm, kỹ thuật để thí nghiệm thành công… Sau 5 năm trong nghề, cô Oanh đã đạt giải nhì trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THCS và là giáo viên có tuổi nghề trẻ nhất của huyện Phù Mỹ.
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, không giảng dạy cùng một phương pháp trong mọi lớp học, cô Oanh luôn cải tiến và thay đổi theo thời gian, luôn cho học sinh cách tiếp cận vấn đề mới, khơi gợi để các em tự khám phá, bộc lộ khả năng, từ đó phát triển năng lực. Đây là khâu đầu tiên và quan trọng chẳng khác gì như việc tìm ngọc trong đá.
Cô biên soạn nội dung chương trình thành các chuyên đề với hệ thống kiến thức cơ bản, nâng cao phù hợp và tiến hành bồi dưỡng theo kế hoạch. Năm học 2021 - 2022, cô Oanh đóng vai chính trong giảng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối 6. “Muôn vàn khó khăn, thách thức khi năm học nhiều đổi mới bắt đầu với dịch bệnh Covid-19. Cả cuộc đời dạy học đã quen với không gian trực tiếp trước học trò, nay đứng trong không gian trực tuyến để giảng bài, đôi lúc tôi vẫn còn lúng túng. Tôi tự nhủ mình cần thay đổi nhiều hơn nữa, năng động và sáng tạo nhiều hơn nữa, phải luôn tự hoàn thiện mới có thể sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu dạy học trong thời kỳ mới”, cô Oanh bày tỏ.
THU HIỀN