TÌNH TRẠNG NGẬP ÚNG VÀ SẠT LỞ ĐẤT TẠI TP QUY NHƠN:
Xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục
Mưa lớn nhiều ngày qua gây sạt lở và ngập úng cục bộ tại một số địa điểm trong TP Quy Nhơn, khiến người dân bất an. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành triển khai các biện pháp xử lý để hạn chế tối đa tình trạng này.
Từ sự cố ngập úng bất thường
Sau những đợt mưa kéo dài đến sáng 14.11, nhiều khu dân cư thuộc KV 4, phường Ghềnh Ráng bị ngập từ 0,75 - 1 m. Bà Phùng Thị Thanh Miền, ở 66/1 Hàn Mạc Tử, TP Quy Nhơn kể: “Gia đình tôi sống ở đây hơn 50 năm chưa bao giờ có tình trạng bị ngập úng như vừa qua. Toàn bộ nhà ngập khoảng 1 m, không kịp kê dọn đồ đạc lên cao. Tôi không thể hiểu nhà cách mặt biển có 20 m mà lại bị ngập!”.
Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ đạo khắc phục tình trạng ngập úng tại KV 4, phường Ghềnh Ráng. Ảnh: HẢI YẾN
Qua khảo sát, các đơn vị chức năng của Sở Xây dựng đã chỉ ra nguyên nhân chính là do Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh thay thế tuyến mương trong khuôn viên Resort Hoàng Gia Quy Nhơn bằng 5 cống bê tông ly tâm 1,2m vào tháng 8.2021 với chiều dài 18 m, làm giảm tiết diện thoát nước của cống hộp từ16 m2 xuống còn 5,7 m2. Toàn bộ lượng mưa trên sườn Đông núi Vũng Chua (đoạn từ dốc Quy Hòa đến siêu thị Big C) và sườn Tây núi Xuân Vân (KV 4, phường Ghềnh Ráng) với diện tích lưu vực khoảng 300 ha được gom lại, đổ ra biển theo tuyến cống rộng 8 m, dọc theo đường Chế Lan Viên và Hàn Mạc Tử (đoạn cuối tuyến nằm trong khuôn viên khu đất Resort Hoàng Gia). Lượng nước lớn lại dồn trong một khung thời gian ngắn đã phá bung phần cống thoát nước bên trong khuôn viên Resort Hoàng Gia, làm tắc đường thoát khiến ứ nước phía thượng lưu.
Trước đó, cơn mưa ngày 24.10 dù không lớn cũng đã làm ngập úng phía thượng lưu của tuyến cống, gây ngập cục bộ ở KV 4, phường Ghềnh Ráng. Điều này chưa từng xảy ra từ khi hệ thống thoát nước đường Chế Lan Viên được đầu tư từ Tiểu dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn.
Ngày 18.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu UBND TP Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh ngay trong tháng 11.2021 phải tháo dỡ toàn bộ các ống cống bê tông ly tâm đã lắp đặt, hoàn trả tiết diện thoát nước tối thiểu vốn có - rộng 8 m, cao 2 m - trong khuôn viên Resort Hoàng Gia.
Về lâu dài, UBND tỉnh giao UBND TP Quy Nhơn chủtrì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất phương án đầu tư cải tạo mương thoát nước trong khuôn viên Resort Hoàng Gia bằng kết cấu bền vững với tiết diện đảm bảo thoát nước, chống ngập úng cho toàn bộ khu vực và có phương án quản lý mặt bằng tuyến mương trong khuôn viên Resort Hoàng Gia, đảm bảo an toàn vận hành, các mục việc này sẽ thực hiện trước mùa mưa năm 2022.
Cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất
Chỉ trong vòng 3 tuần (từ ngày 24.10 đến 14.11), liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất đá từ núi Bà Hỏa và núi Vũng Chua (TP Quy Nhơn), khiến nhiều người hoang mang. Trong đó, vụ sạt lở núi Bà Hỏa làm bị thương 3 người. Các vụ sạt lở này đều có một điểm chung là xảy ra tại các khu vực có độ dốc lớn và sau nhiều ngày mưa kéo dài. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tự nhiên thì việc con người khai thác đào sâu vào các chân mái dốc, sườn dốc và chặt phá cây trên các mái dốc là nguyên nhân gây ra việc mất liên kết giữa các khối đất đá, làm gia tăng nguy cơ xảy ra sạt lở.
Cuối năm 2020, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan có cuộc khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP Quy Nhơn có 6 khu vực cần lưu ý; 2 khu vực có nguy cơ sạt lở cao là núi Một (khu phố 1, phường Đống Đa) và khu vực Hóc Bà Bếp ( tổ27, khu phố 5, phường Đống Đa). Theo ý kiến của các chuyên gia về địa chất, sạt lở chủ yếu xảy ra khi lượng mưa lớn, thảm thực vật tại nhiều khu vực bị phá hoại rất nặng nề, mức độ che phủ của thảm thực vật trong vùng chỉ đạt mức độ trung bình hoặc thấp. Điều này dẫn đến nước mưa dễ dàng xâm nhập vào mái dốc, làm suy giảm độ bền của đất đá. Do đó, cần phải khôi phục lại diện tích thảm thực vật đã bị phá hoại.
TS Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, phân tích: Sự hình thành các khối đất đá sạt lở dù là tự nhiên hay nhân tạo thường trải qua một thời gian nhất định. Ban đầu phần đất phong hóa ở phía trên các khối trượt sẽ hình thành các khe nứt liên quan đến sự kéo tách. Các khe nứt này dần được mở rộng và hình thành nên các vách sạt với quy mô ngày càng được mở rộng. Vì vậy, đối với đa phần các khối trượt vách sạt là dấu hiệu tiên quyết. Đây là dấu hiệu dễ phát hiện, nên việc tuyên truyền phổ biến để người dân khi chăn thả gia súc hay trồng rừng trên đất dốc chủ động phát hiện các khu vực nguy hiểm và có biện pháp phòng tránh. Tại một số khu vực, các khối trượt ở sườn dốc tự nhiên có quy mô rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, chi phí để ổn định khối trượt rất lớn, nên việc phát hiện sớm dấu hiệu của sạt lở có ý nghĩa quan trọng và rất thiết thực.
HOÀNG QUÂN - HẢI YẾN