Nghĩ về biểu tượng ở Công viên Phú Tài
Ngày 14.9.2021, Trang thông tin của Sở Xây dựng Thông báo kết quả thi tuyển ý tưởng thiết kế biểu tượng kiến trúc Công viên Phú Tài, TP Quy Nhơn, giải nhất của cuộc thi thuộc về phương án dự thi có mã hiệu 007VK của liên danh Công ty TNHH Đầu tư VTCO và Công ty CP Kidohu (ảnh). Theo bản tin, tỉnh đã giao cho TP Quy Nhơn tổ chức triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình nêu trên. Nhân đây, người viết xin mạo muội có vài ý kiến về vấn đề này.
Đô thị phát triển làm phát sinh nhu cầu làm đẹp không gian kiến trúc đô thị bằng những biểu tượng là bình thường. Tuy nhiên, công trình dù to hay nhỏ cũng nên phù hợp về lịch sử, văn hóa, hài hòa với môi trường xung quanh về quy mô, có giá trị về nghệ thuật và mang tính biểu tượng đặc trưng, để nó được mọi người tự hào, yêu mến biểu tượng rất cần được sự đồng tình, đồng thuận của người dân. Biểu tượng kiến trúc Công viên Phú Tài lấy ý tưởng về 3 cánh chim bồ câu cách điệu lồng vào nhau, theo thuyết minh đây cũng là hình ảnh đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, đồng thời truyền đi thông điệp: Gặp gỡ - Hội tụ - Phát triển và cũng là Hòa bình - Tình nghĩa - Thủy chung. Về mặt hình thức nói chung biểu tượng khá dễ nhìn. Nhưng đây là một biểu tượng có nội dung tư tưởng rất chung chung, các thông điệp khá gượng ép, và đặc biệt chúng có thể đặt bất cứ nơi nào và không mang tính biểu trưng của Bình Định. Hay nói nôm na là không có chất Bình Định.
Vị trí sẽ đặt biểu tượng kể trên rất đắc địa - nằm sát QL1A, trên trục giao thông Bắc - Nam, ở ngay cửa ngõ thành phố vì thế rất cần nhắc nhở rằng - đây là TP Quy Nhơn - thành phố tỉnh lỵ Bình Định, địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử phong phú… Biểu tượng vì thế còn là một cơ hội để quảng bá hình ảnh quê hương Bình Định.
Đến đây xin góp một đề xuất nhỏ. Trong 500 năm qua, có lẽ thành tựu văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam đó là sự ra đời chữ Quốc ngữ. Tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ tại Quy Nhơn năm 2016, GS Phan Huy Lê đã tổng kết: Dòng sông chữ Quốc ngữ được tạo bởi ba nguồn suối: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn sớm hơn cả. Như vậy, Nước Mặn - Bình Định là nơi phôi thai ra đời chữ Quốc ngữ, một vinh dự riêng có của Bình Định. Nên chăng tỉnh Bình Định cho xây dựng tại Công viên Phú Tài biểu tượng liên quan đến dấu ấn văn hóa “nơi phôi thai chữ Quốc ngữ”, một dấu ấn văn hóa độc đáo của vùng đất “thượng võ, tôn văn”!
NGUYỄN THANH QUANG
( Quy Nhơn)