NUÔI THỦY SẢN MÙA MƯA BÃO:
Cần chủ động phòng, tránh thiệt hại
Tính đến hết ngày 17.11, trên địa bàn tỉnh có hai huyện báo cáo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về thiệt hại nuôi thủy sản do mưa lũ. Tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp thời gian tới, người nuôi thủy sản cần chủ động phòng, tránh thiệt hại.
Theo thống kê, huyện Phù Mỹ có 66,8 ha nuôi tôm, cá bị thiệt hại từ 50% - 70% trong đó phần lớn thuộc về các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát. Đến chiều 18.11, cả vùng 106 ha nuôi thủy sản ở huyện Phù Cát còn ngập sâu trong nước; trong đó, xã Cát Khánh có 0,1 ha ao nước ngọt ngập tràn, thiệt hại 0,5 tấn cá trê, cá lóc và 0,8 tấn cá rô đầu vuông; 4 ha ao nước mặn bị sạt lở, ngập. “Chờ nước rút mới có thể đánh giá cụ thể thiệt hại của diện tích nuôi thủy sản hiện vẫn ngập lụt và có giải pháp hỗ trợ bà con xử lý môi trường ao nuôi sau mưa lụt để phòng, chống dịch bệnh thủy sản” - ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết.
Trưa 19.11, ở nhiều nơi nước đã bắt đầu rút nhưng những ao tôm, hồ tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước vẫn còn mênh mông nước, nhiều đoạn bờ bị sạt lở nặng. Ảnh: HOÀI THU
Một cái được của năm nay là bà con tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ do Sở NN&PTNT công bố nên phần lớn hộ nuôi tôm đã thu hoạch xong 2 vụ chính trước mùa mưa lũ nên trong những ngày mưa lụt vừa qua thiệt hại không đáng kể. Một số hộ có hồ ở vùng cao hơn vẫn tiếp tục thả nuôi cùng với các biện pháp phòng, tránh chủ động.
Khu vực nuôi tôm trong thôn ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát là một ví dụ. Nhiều hộ nuôi thâm canh trong ao trải bạt, đầu tư thêm máy móc, thiết bị đủ để cân bằng độ mặn của môi trường hồ tôm nên họ có thể chủ động điều tiết, tránh trường hợp bị nước mưa làm ngọt hóa ao nuôi, không để xảy ra ngập tràn, đồng thời còn hạn chế dịch bệnh phát sinh. Ông Phạm Tấn Hương, một người nuôi tôm ở đây chia sẻ: Hiện tôm của nhiều hộ nuôi trong thôn đã được 1,5 - 2 tháng, riêng 4 ao tôm của nhà tôi mới chỉ gần 1 tháng. Nuôi tôm trong tầm này, những con đủ kích cỡ để bán bà con cứ thu tỉa dần, làm như vậy mình từng bước thu hồi vốn, có thể tránh được thiệt hại nặng khi mưa bão diễn biến phức tạp.
“Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo dõi trước, trong và sau mùa mưa lụt năm nay ở các vùng nuôi thủy sản để phối hợp hướng dẫn xử lý môi trường ao, hồ nuôi nhằm phòng, chống dịch bệnh khi vào vụ nuôi mới. Đơn vị đã thông báo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đăng ký theo nhu cầu thực tế địa phương, để được hỗ trợ hóa chất khử trùng xử lý môi trường nuôi thủy sản...”
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC LAN, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Với những hộ nuôi tôm ở vùng ngập lụt, tuy đã thu hoạch xong nhưng vẫn khó tránh khỏi thiệt hại khi bờ ao nuôi bị sạt lở, sa bồi thủy phá; cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh tôm khá cao nếu không xử lý kỹ lưỡng môi trường ao nuôi trước khi vào vụ mới. Ngày 18.11 khi tôi đến thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, nơi có cả trăm hộ nuôi tôm cua, dù đã thu hoạch xong từ tháng trước nhưng mưa lớn ngập lụt nhiều ngày khiến nhiều hồ nuôi bị sạt lở, thiệt hại đáng kể. Hơn nữa do ở vùng hạ lưu sông Côn lại sát bên đầm Thị Nại nên nước lũ sau khi băng qua các vùng đồng ruộng kéo xuống dìm ngập hồ tôm, sau lũ lụt hồ tôm biến thành túi rác các loại bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Dọn sạch hồ ao xong còn phải xử lý làm sạch môi trường ao nuôi, xong lại phải phơi đáy ao mất hết cả tháng trời nữa… mới dám vào vụ mới.
Ông Dương Văn Tường, 77 tuổi, có hơn 40 năm nuôi tôm ở thôn Diêm Vân, cho biết: Hễ mưa bão, lũ lụt thì khó tránh khỏi sạt lở bờ hồ ao nuôi nhưng năm nay nhiều hơn mọi năm vì mưa dầm nhiều ngày quá. Nước ngập lênh láng nên khó tính toán thiệt hại nhưng kiểu này thì thuê người đắp đất tu bổ bờ hồ, có ít mỗi hồ cũng phải tốn khoảng 10 - 30 triệu đồng.
Đến hết ngày 17.11 các địa phương chưa báo cáo thiệt hại của những hộ nuôi thủy sản lồng, bè tại các hồ, đầm, vịnh. Tại TP Quy Nhơn, có 203 bè, 4.084 lồng nuôi thủy sản tại 4 xã, phường. Từ tháng 9.2021 UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo các địa phương thông báo để người dân thu hoạch sản phẩm, sớm kéo lồng, bè lên bờ; có biện pháp gia cố, giằng néo lồng bè, bảo vệ đối tượng nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch; tuyệt đối không để người ở lại trên lồng, bè khi mưa bão đến.
HOÀI THU