Sau vụ sạt lở núi Cấm: Sớm bố trí nơi tái định cư an toàn cho người dân
Chưa có năm nào người dân thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát phải đối diện với thảm họa sạt lở núi khốc liệt như năm nay. Đã đến lúc cần phải rà soát, nhận diện lại tất cả những bất cập, bất thường của núi rừng ở khu vực này để giải bài toán an cư cho người dân.
Đợt sạt lở núi Cấm vừa rồi, toàn bộ diện tích đất sản xuất và cây trồng tại thôn Chánh Thắng đều bị bùn đất, đá bồi lấp, san bằng. Nhà nhà, người người lâm cảnh cơ cực. Ngồi nghỉ ngơi sau nhiều giờ cào lớp đất đá, bùn nhão nhoẹt chảy vô nhà sau vụ sạt lở núi, ông Mai Công Thanh (69 tuổi, ở thôn Chánh Thắng) kể rằng, mưa lớn kèm theo nước ở thượng nguồn đổ về ào ạt khiến con suối sau nhà ông dâng cao. Người dân sống dọc con suối này không kịp trở tay, rơi vào cô lập. Đến nửa đêm, một tiếng nổ vang rền vọng từ phía núi Cấm như xé toạc màn đêm, khiến bà con hoảng loạn, lo sợ. Ngay lúc đó, một khối lượng lớn đất, đá, cây từ vách núi tràn xuống vùi lấp cây cối, hoa màu và vật nuôi, nhiều ngôi nhà cũng bị chôn vùi dưới đống bùn nhão, hư hỏng.
UBND xã Cát Thành đã huy động hàng chục xe máy các loại hỗ trợ người dân dọn bùn đất sau vụ sạt lở núi.
Theo ông Thanh, trước đây, núi Cấm cũng từng xảy ra những vụ sạt lở nhỏ, không đáng kể. Tuy nhiên, lần này là trận lũ quét đỉnh điểm khiến bà con rất lo lắng. “Bà con sống dưới chân núi Cấm luôn trong tâm lý nơm nớp lo sợ, nhất là khi ngọn núi đã xuất hiện vết nứt, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm di dời, bố trí đất tái định cư để bà con yên tâm, ổn định đời sống”, ông Thanh nói.
“Về nhà sợ lắm nhưng kẹt mấy con bò chưa biết sơ tán đâu nên phải về trông nom, chứ đâu dám ngủ ở nhà. Bây giờ chở lưới rào vịt đi qua ở nhà họ hàng rồi sơ tán trước mấy con gà, vịt. Nếu trời mưa to thì núi Cấm còn sạt lở nữa, phải dời nhà đi nơi khác ở thôi”, ông Trần Bá Liêm, nhà ở sát chân núi Cấm, lo lắng.
Sau mấy ngày mất ngủ, ăn uống tạm bợ cho qua bữa, trông bà Nguyễn Thị Nhàn gầy hẳn, đôi mắt trũng sâu. Ngày 18.11, gia đình bà nhờ họ hàng đến hỗ trợ đưa người mẹ chồng 93 tuổi bị liệt nằm một chỗ và thu dọn đồ đạc, chuyển đến sống tạm tại nhà em gái ở thôn khác. Nhìn đồ đạc chất lên xe, bà không cầm được nước mắt vì ở mấy chục năm giờ phải dời đi. “Đồ dùng trong nhà ngập trong bùn đất. Nhà kho ngập sâu, có 10 bao lúa để dành ăn cũng ngập hết. Giờ tôi không dám ở đây nữa, bị chôn sống lúc nào chưa hay. Chừng nào có được chỗ tái định cư an toàn thì chúng tôi mới dám ở”, bà Nhàn nói.
Ông Trần Bá Liêm chở tấm lưới để rào vịt đến ở tạm nhà người thân trong thôn.
Theo người dân thôn Chánh Thắng, từ xa xưa, dân làng đặt tên núi Cấm nghĩa là cấm khai thác bất kỳ cây cối nào trên núi. Hiện núi Cấm đã có nhiều người trồng keo, bạch đàn, rồi san ủi núi làm đường để vận chuyển gỗ khai thác nên khi có mưa lớn sẽ xảy ra sạt lở. Gần đỉnh núi có 1 tảng đá rất lớn, được truyền miệng là đá không có chân, gọi là đá Mục, khiến người dân bất an.
“Trên núi Cấm có nhiều tảng đá to, hiện 2 tảng đá lớn đã bị xói lở, trôi xuống sát khu dân cư. Còn tảng đá Mục thì như cái bẫy trên đầu dân, nó mà sạt lở, lăn xuống thì nhà cửa, tài sản bị nghiền nát, người có khi còn không kịp thoát thân”, ông Thanh nói.
Sau sự cố sạt lở núi Cấm, sáng 15.11, UBND xã Cát Thành lập tổ công tác đến ở tại thôn Chánh Thắng để chỉ đạo công tác sơ tán và giúp người dân khắc phục hậu quả. “Từ chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi đã xác định có khoảng 130 hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng của sạt lở núi Cấm cần được bố trí tái định cư. Hiện UBND xã Cát Thành đang lấy ý kiến của người dân về điểm bố trí tái định cư ngay tại thôn Chánh Thắng hay ở thôn khác để báo cáo lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng xem xét”, ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho hay.
Người dân vận chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, khu vực núi Cấm bị sạt lở có độ dốc đứng. Hiện nay, lượng mưa lớn đã khiến đất bị nhão, no nước và trên núi còn nhiều khối đá to nên nguy cơ sạt lở rất cao, đang uy hiếp khu dân cư. “Về lâu dài, cần bố trí tái định cư khu dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”, ông Kiên nói.
VĂN LƯU