Vì những gia đình bình đẳng, hạnh phúc
Bạo lực gia đình là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt với phụ nữ. Nhằm giúp chị em biết cách bảo vệ bản thân, đồng thời xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, các cấp Hội LHPN đã và đang đẩy mạnh các hoạt động để từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Theo Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2020 - 2021, trong số 1.878 ca yêu cầu được trợ giúp pháp lý về lĩnh vực hôn nhân và gia đình có đến 1.167 là phụ nữ.
Nỗi lo gia đình không êm ấm
Năm 2018, toàn tỉnh có 184 vụ bạo lực gia đình; năm 2020 còn 130 vụ việc, nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ. Bên cạnh những nguyên nhân xuất hiện từ trước, thời gian gần đây, những khó khăn trong đời sống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho mâu thuẫn ở nhiều gia đình trở nên nghiêm trọng hơn.
Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2021 tại huyện Phù Mỹ. Ảnh: Hội LHPN huyện Phù Mỹ
Dịch bệnh khiến công việc của chồng chị N.T.T (KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) gặp trục trặc, kinh tế gia đình khó khăn hơn. Điều này khiến anh dễ nổi giận và hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Chị T. tâm sự: “Không chỉ to tiếng, chồng còn không cho tôi tham gia sinh hoạt tại khu vực, vì nghĩ tôi tìm cớ để đi chơi. Điều này khiến tôi buồn lòng vô cùng!”
Không chỉ ở đồng bằng mà tại các huyện miền núi, nơi sinh sống của đa số phụ nữ dân tộc thiểu số, tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa giảm. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2018 - 2021, vẫn còn xảy ra 38 vụ bạo lực gia đình (huyện Vĩnh Thạnh 26 vụ, huyện An Lão 12 vụ). Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự hạn chế về nhận thức vai trò của mỗi giới, mê tín dị đoan và khả năng nhận biết dấu hiệu bạo lực gia đình còn hạn chế. Nhiều chị em còn hiểu rằng, chỉ đánh đập mới là bạo lực gia đình, trong khi bạo lực còn tồn tại ở các dạng khác như bạo lực tinh thần, kinh tế, tình dục. Chị Đ.T.C (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) vẫn còn cho rằng: “Chồng làm ra của cải, vợ thì chỉ chăm con thôi, nên chồng được ưu tiên. Hơn nữa, đàn ông thì được đi chơi, còn mình thì ở nhà lo cho gia đình thôi, không đi đâu cả!”
Từ lắng nghe đến hành động
Nữ giới là nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình. Xuất phát từ quan niệm “trọng nam khinh nữ”, nhiều chị em đã không được chồng đối xử bình đẳng. Trước thực trạng đó, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều mô hình địa chỉ tin cậy, tổ trợ giúp pháp lý để lắng nghe và hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Hội LHPN huyện Tây Sơn là một trong các cơ sở hội chú trọng đẩy mạnh hoạt động trên với 6 mô hình, 105 thành viên tham gia. Nổi bật là tổ trợ giúp pháp lý của Hội LHPN xã Tây Giang. Chị V.T.H.T.N ở thôn Thượng Giang là một trong 25 nạn nhân của bạo lực gia đình đã tìm đến tổ trợ giúp. Vốn có hoàn cảnh khó khăn khi 1 trong 2 con mắc bệnh tâm thần, chị phải chịu đựng cảnh chồng ngoại tình, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Vừa đau lòng lại bối rối, chị tìm đến hội phụ nữ xã. Sau khi lắng nghe hoàn cảnh của chị T.N, tổ trợ giúp pháp lý đã đến nhà vận động, khuyên nhủ và nói rõ những được - mất với người chồng. “Trước khi được chị em trong tổ lắng nghe và giúp đỡ, tôi không biết nên làm gì để vừa bảo vệ mình, vừa chấm dứt được tình trạng trên. Sau vài lần tổ tư vấn can thiệp, chồng tôi đã hiểu ra và bắt đầu sửa đổi để giữ gìn mái ấm”, chị T.N tâm sự.
Không chỉ tư vấn, hỗ trợ chị em bảo vệ mình khỏi việc bị chồng sử dụng bạo lực, các cấp hội còn thành lập nhiều CLB, hướng đến các mối quan hệ khác trong gia đình như mẹ - con, ông bà - cháu... Có thể kể đến các mô hình như “Phòng chống bạo lực gia đình” của Hội LHPN phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), “Phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của Hội LHPN xã Hoài Châu (TX Hoài Nhơn), “Gia đình hạnh phúc” của Hội LHPN xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân)... Chị Nguyễn Thị Tú Trinh, thành viên CLB “Phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của Hội LHPN xã Hoài Châu, chia sẻ: “Đây là môi trường lành mạnh, tiến bộ, tạo điều kiện cho chúng tôi được trau dồi kiến thức liên quan đến gia đình nhằm xây dựng mái ấm hạnh phúc, bình đẳng”.
Không chỉ vậy, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan phổ biến kiến thức về hôn nhân và gia đình qua các buổi tuyên truyền, đối thoại, lồng ghép hình thức sân khấu hóa với giải quyết tình huống... Với đối tượng chị em người dân tộc thiểu số, Hội đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức nhiều hội thi nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em cho hơn 200 hội viên tại huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh; ra mắt nhiều mô hình đặc thù, thu hút sự tham gia của 100 hội viên tại huyện An Lão. Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Dựa vào đặc thù của mỗi địa phương mà chúng tôi đưa ra những cách làm phù hợp. Bên cạnh đó, Hội còn tạo điều kiện để chị em khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, phát triển kinh tế, từ đó khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội”.
LINH DƯƠNG