Văn nghệ sĩ Bình Định luôn đồng hành và sẵn sàng phục vụ dân tộc
Theo kế hoạch, ngày 24.11, Ban Bí thư Trung ương Ðảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị đặc biệt quan trọng này giúp chúng ta đánh giá kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Dịp này, ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Bình Định đã chia sẻ với phóng viên Báo Bình Định về những đóng góp của văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong việc “soi đường cho quốc dân đi” thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, cùng những kỳ vọng ở Hội nghị sắp đến.
● Thưa ông, nếu phải phác thảo hành trình của văn nghệ sĩ Bình Định trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ông sẽ…
- Văn hóa của một vùng đất thường gắn liền với những đặc điểm về lịch sử, địa lý và con người của vùng đất đó. Ở vào vị trí là vùng biên viễn, người Bình Định được hun đúc và có khí chất riêng, văn nghệ sĩ Bình Định cũng thế. Những năm trước cách mạng, Bình Định là nơi bắt rễ của nhiều văn nghệ sĩ lừng danh như: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên, là nơi khởi phát “Trường thơ loạn” với Bích Khê, Hoàng Diệp… Đó là chưa kể “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Và đặc biệt phần nhiều trong số họ sau đó đã đi theo cách mạng hoặc có cảm tình rõ rệt với cách mạng.
Sau năm 1954, nhiều văn nghệ sĩ Bình Định tập kết ra Bắc, họ là nhà thơ, nghệ sĩ sân khấu, là kịch tác gia… có nhiều đóng góp cho cách mạng trên đất Bắc. Ở miền Nam, Bình Định cũng có nhiều văn nghệ sĩ hoạt động phản chiến rồi đứng hẳn về phía nhân dân mà tiêu biểu là nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Từ là một sinh viên trưởng thành cùng phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” và viết hàng loạt ca khúc như: Người mẹ Bàn Cờ, Hoa lục bình, Hát trên đường tranh đấu, Hành khúc thành phố, Người cha bến tàu, Người hát cho phận mình…, năm 1972 ông rời Sài Gòn ra vùng giải phóng. Ở chiến khu, ông được các nhạc sĩ đàn anh dìu dắt, sau đó ra Bắc học đại học âm nhạc và trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của dòng nhạc cách mạng...
Sau ngày đất nước thống nhất, những văn nghệ sĩ từng hoạt động tuyên huấn ở chiến khu về càng phát huy năng lực sáng tạo, có thể kể như các nhà thơ, nhà văn: Lệ Thu, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh, Thu Hoài, Từ Quốc Hoài, Văn Trọng Hùng…; họ hợp với số văn nghệ sĩ từ miền Bắc về và số sống và viết ở quê nhà như Bùi Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Hiện, Lê Văn Ngăn… làm nên một đội ngũ sáng tác phải nói là hùng hậu.
● Vậy từ thời kỳ đất nước đổi mới - một thời kỳ sôi động của văn nghệ - đến nay thì sao, thưa ông?
- Thời kỳ đất nước đổi mới, sau năm 1986, một lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu lần lượt tiếp nối. Từ khi Hội VHNT tỉnh được thành lập (năm 1990), đội ngũ văn nghệ sĩ các chuyên ngành mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu… đã lớn mạnh không ngừng cùng với lực lượng sáng tác văn học đã làm nên một nền văn học nghệ thuật Bình Định khởi sắc, hòa theo dòng chảy của văn học nghệ thuật cả nước, góp phần xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Có thể nói trong bất cứ hoàn cảnh nào thì văn nghệ sĩ Bình Định cũng sẵn sàng đồng hành và phục vụ dân tộc, thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó.
Văn nghệ sĩ Bình Định trong một chuyến thực tế sáng tác ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021. Ảnh: Hội VHNT
Hiện nay, chỉ kể những văn nghệ sĩ sinh hoạt trong Hội VHNT tỉnh đã có hơn 350 người hoạt động ở các chuyên ngành: Văn học, nghiên cứu văn nghệ dân gian, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, múa… Thời gian qua, đội ngũ này đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm lớn với nhiều tác phẩm có chất lượng cao với hàng trăm tác phẩm được trao Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu.
Dù vậy phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những thành tựu văn học nghệ thuật mà tỉnh ta đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước và chưa xứng tầm với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ kính yêu từng gửi gắm tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I cách đây 75 năm. Biểu hiện cụ thể nhất đó là tỉnh ta còn chưa có các công trình và tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với đòi hỏi của nhân dân, chưa xây dựng được những hình tượng văn học nghệ thuật có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Đây đó vẫn tồn tại những tác phẩm sa đà vào hình thức, thiếu tính nhân văn.
● Hội nghị Văn hóa toàn quốc được ví như “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”- sẽ đưa ra những định hướng lớn cho một chặng đường xa, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ở vai trò là người lãnh đạo Hội, ông kỳ vọng gì vào Hội nghị lần này?
- Hội VHNT tỉnh và văn nghệ sĩ Bình Định thực sự rất háo hức hướng về Hội nghị đặc biệt quan trọng này. Xuyên suốt các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, chúng ta đều biết mỗi thời kỳ, nhiệm vụ cách mạng có sự thay đổi, song vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong quan điểm, tư duy của Đảng không thay đổi, vẫn đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh - Văn hóa phải được coi trọng ngang chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên một vấn đề được đặt ra, vì sao chúng ta coi trọng văn hóa đến thế nhưng ở thời điểm này, văn hóa, đạo đức xã hội lại bị đánh giá là xuống cấp?
Chính vì vậy chúng tôi mong muốn từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, Đảng và Nhà nước sẽ có nhìn nhận thấu đáo, đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Quan trọng nhất là phải có hành động cụ thể, thiết thực khắc phục cách làm chung chung, thiên về bề nổi. Chúng tôi cũng mong mỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật được lựa chọn đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực phụ trách; đồng thời, mong muốn Đảng và Nhà nước có chính sách để văn học nghệ thuật có được tiếng nói thiết thực hơn với những công trình nghệ thuật phục vụ đời sống xã hội.
Hoạt động sáng tạo luôn bám sát thực tiễn đời sống
Hai năm qua, trong diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn học nghệ thuật bị đình trệ song văn nghệ sĩ tỉnh nhà vẫn không ngừng nỗ lực sáng tạo tác phẩm. Các nhà thơ, nhà văn là phóng viên của tạp chí Văn nghệ Bình Định đã xông pha, phản ảnh kịp thời các hoạt động phòng chống dịch của các lực lượng tuyến đầu trên địa bàn của tỉnh, kể các câu chuyện về những tấm lòng nhân ái cưu mang, chia sẻ cùng đồng bào khó khăn trong dịch bệnh... Nhiều bài thơ về phòng chống dịch của các nhà thơ Bình Định được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí trong cả nước. Nhà thơ Ngô Văn Cư đã cho xuất bản tập trường ca Thời cách ly chống dịch.
Ở lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ Bình Định cũng đã cho ra đời hơn 40 ca khúc về chủ đề phòng chống dịch Covid-19; Chi hội Âm nhạc đã lựa chọn thực hiện tuyển tập ca khúc Giữ trọn niềm tin với 30 tác phẩm của 22 tác giả. Một số tác giả và ca khúc viết về phòng chống Covid-19 được Đài PT-TH Bình Định mời dàn dựng 3 chương trình giới thiệu. Có khá nhiều tranh, ảnh về chủ đề này được các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh đầu tư tâm huyết…
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)