Hơn 300 đại biểu thảo luận về phát triển văn hóa học đường
Các vấn đề về thực trạng văn hóa học đường, những mặt tích cực và hạn chế đã được các đại biểu cùng thảo luận, từ đó đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển nội dung này.
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Quốc hội. (Ảnh: BTC
Sáng 21.11, hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước đã cùng tham gia thảo luận tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT”. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến với 50 đại biểu tham dự ở điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối qua zoom với khoảng 300 đại biểu. Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 thảo luận từ các đại biểu trong và ngoài nước.
Xác định việc xây dựng văn hóa học đường là yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực tổng 10 năm tới, hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, đầy đủ và khách quan về văn hóa học đường trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới GD&ĐT, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp, hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến trong thực tế, nâng cao chất lượng dạy và học.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước. Vì vậy, việc rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: BTC)
“Đây thực sự là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, sẽ và đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Đề dẫn hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường, mà điều cốt lõi là nó sẽ tạo nên nền tảng tinh thần của nhà trường, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới.
Là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định văn hóa học đường là môi trường quan trọng đề rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai khoa học, chặt chẽ, sâu rộng nhiều nội dung, hoạt động để phát triển văn hóa học đường. Tuy nhiên, nhiều hoạt động còn mang tính hình thức và còn những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trong trường học.
“Xây dựng văn hóa học đường đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của các cơ sở giáo dục, đòi hỏi sự chỉ đạo mạnh mẽ của toàn ngành giáo dục”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Để tìm giải pháp phát triển văn hóa học đường, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về ba nội dung chính. Thứ nhất là đánh giá, phân tích đúng thực trạng văn hóa học đường, những mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết. Hai là khuyến nghị cơ chế, chính sách xây dựng văn hóa học đường trong, ngoài nhà trường và trên môi trường mạng. Thứ ba là đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa học đường lành mạnh trong tất cả các trường học, khắc phục tồn tại, hạn chế, đẩy lùi bệnh thành tích trong giáo dục, phấn đấu đạt mục tiêu “học thật, thi thật và nhân tài thật”.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội yêu cầu trên cơ sở ý kiến đại biểu tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)