Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2014:
Giảm kinh phí, không giảm chất lượng
Với việc kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2014 bị cắt giảm đáng kể, công tác DS-KHHGĐ đối diện với không ít khó khăn. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, xung quanh vấn đề này.
* Nguồn kinh phí cho các hoạt động DS-KHHGĐ chủ yếu phụ thuộc vào Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng năm nay nguồn kinh phí này lại bị cắt giảm phần lớn. Ông có thể nói rõ hơn về việc cắt giảm này?
- Việc cắt giảm kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2014 nằm trong bối cảnh chung của các chương trình mục tiêu quốc gia khác, chứ không phải “chuyện riêng” của công tác DS-KHHGĐ. Năm 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ tỉnh ta được Trung ương phân bổ 9,211 tỉ đồng, năm 2014 chỉ còn 5,908 tỉ đồng, tức giảm 36%. Mục chi không thể cắt giảm là chi cho 2.700 cộng tác viên hết 3,24 tỉ đồng, chiếm 58% kinh phí. Số còn lại là 2,668 tỉ đồng, dành chi cho các dịch vụ KHHGĐ hơn 1 tỉ đồng, công tác quản lý DS-KHHGĐ cấp xã 122,2 triệu đồng. Như vậy, các hoạt động khác chỉ còn chưa đầy 1,5 tỉ đồng.
* Cắt giảm kinh phí sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số năm 2014 trên địa bàn tỉnh?
- Nguyên nhân chính của việc cắt giảm là ngân sách nhà nước gặp khó khăn, việc tăng lương của cán bộ, công chức năm 2014 cũng không thực hiện được. Với việc kinh phí bị cắt giảm nhiều như thế, một số hoạt động sẽ không thực hiện được, nhất là công tác truyền thông. Công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo cũng bị cắt giảm rất nhiều. Đối tượng được cung cấp miễn phí các phương tiện tránh thai bị hạn chế… Đầu tháng 5.2014, Sở Y tế đã có hướng dẫn kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ năm 2014, đồng thời phân bổ kinh phí. Hiện nay, các Trung tâm DS-KHHGĐ đang tiến hành phân bổ kinh phí về xã, phường, thị trấn theo hướng cắt giảm này. Rõ ràng, công tác DS-KHHGĐ sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
* Ông có đề cập đến việc cắt giảm nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý là truyền thông. Thế nhưng, trên thực tế công tác DS-KHHGĐ đạt được những thành công như vừa qua là có sự đóng góp rất lớn từ hoạt động truyền thông…
- Chúng ta đã biết công tác dân số là một công tác tuyên truyền, vận động; hoạt động truyền thông trực tiếp rất hiệu quả, vai trò phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông, vận động hết sức quan trọng. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, chúng ta đang hướng tới các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giải quyết vấn đề già hóa dân số… Vậy nhưng, thật đáng tiếc khi chúng ta không có kinh phí để bố trí cho các hoạt động phối hợp tuyên truyền với các ban, ngành, đoàn thể. Trước khó khăn chung của đất nước hiện nay, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục bằng cách lồng ghép hoạt động tuyên truyền trong các hoạt động khác của chương trình mục tiêu.
Với việc kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ bị cắt giảm đáng kể, hoạt động truyền thông sẽ bị thu hẹp.
- Trong ảnh: Liên hoan tuyên truyền viên dân số huyện Phù Cát 2010.
Một số chỉ tiêu trong công tác DS-KHHGĐ năm 2014 của tỉnh:
- Mức giảm tỉ lệ sinh là 0,3%o và giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,4%.
- Tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh 0,3%.
- Tỉ lệ sàng lọc sơ sinh 25% và tỉ lệ sàng lọc trước sinh là 10%.
* Vậy theo ông, phải làm gì để “ứng phó” với tình hình đó? Để tăng nguồn lực cho hoạt động DS-KHHGĐ, công tác xã hội hóa các mô hình, đề án, tăng cường huy động nguồn lực ở địa phương sẽ được thực hiện như thế nào?
- Ở tầm vĩ mô, để đáp ứng với nhiệm vụ lâu dài của công tác DS-KHHGĐ, ngày 23.7.2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 97/2013/TT-BTC quy định sửa đổi, bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước. Theo đó, mục chi sự nghiệp dân số đã được đưa vào mục lục ngân sách mà trước đây chưa có. Về mô hình tổ chức hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện, xã, Trung ương đang tranh thủ ý kiến của các địa phương để có cơ sở hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của Chính phủ về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 5.5.2014 của Chính phủ về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tại địa phương, chúng tôi sẽ xây dựng giá dịch vụ KHHGĐ tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh, để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thực hiện trong thời gian tới. Rõ ràng, trong thời điểm hiện tại, cơ chế vận hành còn gặp nhiều khúc mắc về giá dịch vụ, quy trình thực hiện. Ngành Y tế sẽ tham mưu các cấp lãnh đạo bổ sung nguồn ngân sách của địa phương cho các hoạt động còn thiếu, huy động cộng đồng xã hội tham gia, chia sẻ nguồn lực góp phần vào những khó khăn chung của đất nước để công tác DS-KHHGĐ đạt được mục tiêu đề ra.
MAI HOÀNG (Thực hiện)