Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận
Ðây là yêu cầu đặt ra khi triển khai thực hiện Quyết định số 23-QÐ/TW ngày 30.7.2021 của Bộ Chính trị và Quyết định số 407-QÐ/TU ngày 30.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - về những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận trong tình hình mới.
● Đồng chí có thể cho biết những điểm mới trong Quyết định số 407-QĐ/TU, vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành?
- Qua 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25.2.2010 của Bộ Chính trị (khóa X) và Quyết định số 1514-QĐ/TU ngày 10.6.2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đã có những hạn chế, một số nội dung không còn phù hợp; nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận được ban hành từ năm 2011 đến nay chưa được cập nhật.
Vì vậy, ngày 30.7.2021, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 23-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, thay thế Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 407-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Định thay thế Quyết định số 1514-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị mới ban hành đảm bảo tính kế thừa Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trước đây. Đồng thời, cụ thể hóa tinh thần đổi mới của Đảng về công tác dân vận theo Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, và các văn bản của Đảng, Nhà nước được ban hành liên quan đến công tác dân vận từ năm 2011 đến nay.
Quy chế mới nhằm tạo chuyển biến hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác dân vận; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ dân vận trên địa bàn.
● Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống, thời gian tới, công tác dân vận cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề gì, thưa đồng chí ?
- Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận. Quán triệt và thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị theo Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 407-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với việc tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 407-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: N.HÂN
Phát huy vai trò công tác dân vận trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; trong quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nền nếp, hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân và sự đồng thuận xã hội làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TX Hoài Nhơn. Ảnh: MINH LỰC
● Đồng chí có đề nghị gì với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận?
- Để thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh và người đứng đầu căn cứ các nội dung đã được quy định cụ thể trong Quy chế, gắn với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình, có trách nhiệm chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Quy chế đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị của địa phương, đơn vị mình và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)