Một vài lưu ý khi tiêm phòng Covid-19 cho trẻ
Theo Bộ Y tế, từ tháng 11.2021, Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên toàn quốc.
Loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ em nhóm tuổi này là vắc xin Comirnaty do hãng Pfizer - BioNTech (Mỹ - Đức) sản xuất. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 1 từ 21 - 28 ngày.
Để chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ trước khi tiêm, các phụ huynh nên chia sẻ với trẻ lợi ích của tiêm chủng, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không bỏ bữa, tuân thủ 5K để đảm bảo phòng Covid-19 tại điểm tiêm chủng, mặc quần áo rộng rãi khi đến nơi tiêm chủng, giữ tinh thần thoải mái. Đồng thời, khi địa phương thông báo tiêm vắc xin cho trẻ, cần lưu ý phối hợp với nhà trường và địa phương để đưa trẻ đi tiêm kịp thời và đúng lịch hẹn.
Các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ tương tự như ở người lớn. Thường gặp nhất là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm. Đây là điều hoàn toàn bình thường, sẽ giảm và hết sau 1 - 3 ngày. Ngay sau tiêm vắc xin các em được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên.
Bác sĩ Trần Thượng Dũng, Trưởng Khoa khám bệnh, BVĐK tỉnh, tư vấn: Phụ huynh phải luôn bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời, cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm dễ tiêu hóa. Không vận động mạnh sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 khoảng 3 ngày. Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,50C, bố mẹ cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát nhưng lưu ý không để nhiễm lạnh, nhắc trẻ uống nhiều nước. Sốt từ 38,50C trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, trong thời gian theo dõi tại nhà, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử trí kịp thời.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)