Ðảm bảo điều trị thường xuyên cho bệnh nhân HIV
Tại Bình Ðịnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến một số hoạt động phòng, chống IHV/AIDS. Dù vậy, ngành Y tế tiếp tục nỗ lực để đảm bảo điều trị thường xuyên cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Năm nay, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (ngày 10.11 - 10.12) có chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19”. Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, về các hoạt động phòng, chống, điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
● Thưa ông, các hoạt động phòng, chống HIV thời gian qua diễn ra như thế nào và công tác này gặp phải những khó khăn gì từ khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng?
- Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên việc triển khai các chương trình y tế nói chung trong đó có hoạt động phòng, chống HIV đều gặp nhiều khó khăn; công tác giám sát phát hiện HIV bị ảnh hưởng... Do vậy số mẫu xét nghiệm phát hiện HIV chỉ còn 25.972 mẫu (giảm 28% so với cùng kỳ năm trước). Số mẫu máu sàng lọc trong an toàn truyền máu là 13.180 mẫu (giảm 21%). Số mẫu xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai là 1.300 mẫu (giảm 76,5%). Số người đến tư vấn, xét nghiệm HIV tại phòng Tư vấn xét nghiệm HIV có 408 người (giảm hơn 50%).
Thời gian tới, ngành Y tế nỗ lực để tăng tỷ lệ người điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV và xét nghiệm CD4 từ 90% trở lên. Ảnh: T. KHUY
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục, truyền thông trực tiếp dự phòng lây nhiễm HIV như tập huấn tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm... không thể triển khai vì giãn cách xã hội do Covid-19.
Mặc dù gặp khó khăn nhưng các hoạt động thiết yếu, cơ bản về giám sát, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, điều trị Methadone vẫn triển khai thường xuyên. Hiện chúng tôi vẫn đang điều trị 342 bệnh nhân bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV), trong đó có 11 trẻ em.
● Để đảm bảo công tác điều trị thường xuyên cho bệnh nhân HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh, ngành Y tế đã và sẽ làm gì, thưa ông?
- Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo người nhiễm HIV không bị gián đoạn điều trị ARV, ngày 8.2.2021 Sở Y tế đã ban hành công văn về việc khám và cấp thuốc ARV cho người bệnh trong tình hình dịch Covid-19. Bệnh nhân HIV/AIDS được cấp phát điều trị thuốc ARV trong 2 tháng, do vậy bệnh nhân không bị ngừng điều trị do thiếu thuốc. Chúng tôi đảm bảo cấp đủ thuốc cho 342 bệnh nhân, trong đó có 11 trẻ em; làm 116 lượt xét nghiệm CD4, số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng vi rút là 110 người. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho 5 người; 9 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con và được quản lý. Hỗ trợ cấp 50 thẻ BHYT cho bệnh nhân điều trị ARV. 100% người nhiễm HIV mới (44 người) đăng ký điều trị được dự phòng mắc lao bằng INH và 100% người bệnh HIV mắc lao (7 người) được điều trị thuốc ARV. Đặc biệt, 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã hỗ trợ cấp thuốc ARV cho 21 bệnh nhân ngoại tỉnh bị mắc kẹt tại Bình Định do dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, Sở Y tế giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với BVĐK tỉnh xây dựng phương án cấp phát thuốc điều trị Methadone và ARV cho bệnh nhân tại các khu cách ly tập trung, các điểm phong tỏa và trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh.
● Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?
- Mục tiêu trong thời gian tới là hạn chế số người nhiễm HIV mới hằng năm dưới 100 người/năm; tăng tỷ lệ người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) từ 90% trở lên; tăng tỷ lệ người điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV và xét nghiệm CD4 từ 90% trở lên. Đồng thời, 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT và được hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV trong điều trị từ quỹ khám bệnh dành cho người nghèo.
Để đạt được các mục tiêu trên cần phải tăng cường các hoạt động như: Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó duy trì việc cung cấp bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; tăng cường chất lượng điều trị thuốc ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, phối hợp tốt hoạt động chương trình Lao và HIV. Bên cạnh đó, triển khai tốt các đợt cao điểm như tháng cao điểm về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
● Xin cảm ơn ông!
THẢO KHUY (Thực hiện)