Truyền thông giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong học sinh dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh:
Trang bị kiến thức về giới, định hướng lối sống lành mạnh
Ðầu năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) đã triển khai truyền thông đến học sinh các kiến thức về giới, bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Truyền thông theo chủ đề
Trung tuần tháng 10.2021, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh đã tổ chức hoạt động truyền thông tìm hiểu kiến thức về giới, bình đẳng giới và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến tất cả học sinh thuộc 2 khối THCS và THPT, theo hình thức trực tuyến đến các lớp.
Pa nô tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Trong thời gian ngắn, các giáo viên cố gắng giúp học sinh hiểu về các khái niệm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các nguyên nhân và hậu quả của các vấn nạn này. Cô Phạm Thị Điệp, Bí thư Đoàn trường, chia sẻ: “Chúng tôi dành nhiều thời gian để cho các em đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi; đưa ra các tình huống và hướng dẫn cách xử lý. Các câu hỏi này có thể gửi đến ban tổ chức trước ngày tổ chức chương trình qua giáo viên chủ nhiệm hoặc hộp thư nhà trường; cũng có thể đặt ra ngay tại buổi truyền thông”.
Cô Trương Thị Thanh Thủy, giáo viên phụ trách truyền thông cho học sinh về chủ đề này, cho biết: Tại buổi truyền thông, một số học sinh đã mạnh dạn đặt câu hỏi liên quan đến các tình huống thường gặp trong thực tế, như: Học sinh lớp 8, lớp 9 bắt đầu yêu đương, hẹn hò và một số học sinh nữ đã mang thai ngoài ý muốn, bỏ học giữa chừng, làm sao để không rơi vào cảnh tương tự? Một vài học sinh cũng chia sẻ rất thật về việc người đồng bào dân tộc thiểu số có tính cộng đồng cao, người trong làng rất gần gũi với nhau, trong quá trình sinh hoạt cộng đồng rất dễ nảy sinh tình cảm đối với người trong họ hàng, cùng huyết thống… để xin lời khuyên từ giáo viên.
Truyền thông lồng ghép
Bên cạnh hình thức truyền thông trực tuyến, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội, tổ tư vấn tâm lý của trường cũng thường xuyên lắng nghe, chia sẻ và tư vấn cho học sinh trong từng tình huống cụ thể, phát sinh trong thực tế. Theo cô Điệp, từ đầu năm học 2021 - 2022, Ban giám hiệu nhà trường, thầy hiệu trưởng đã chỉ đạo giáo viên toàn trường nắm tình hình học sinh, kịp thời chia sẻ, trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về kỹ năng sống để các em có cách nhìn đúng đắn khi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống. Qua đó, định hướng cho các em có lối sống lành mạnh, tự bảo vệ bản thân, hiểu đúng về tình bạn, tình yêu và các mối quan hệ khác giới, chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong các giờ dạy môn Giáo dục công dân, đặc biệt là các tiết học liên quan tình yêu, hôn nhân, gia đình, cô Trương Thị Thanh Thủy thường xuyên liên hệ các câu chuyện thực tế về việc học trò nữ có thai ngoài ý muốn, nghỉ học giữa chừng, làm mẹ sớm với bao vất vả, tương lai mờ mịt. Ở phía học sinh nam, mọi thứ có thể ít khó khăn hơn khi các em không phải dừng việc học, song những tác động đến tâm lý là không nhỏ và phần lớn các học sinh nam này cũng sẽ nghỉ học một thời gian sau đó.
Cô Thủy chia sẻ: Ngày nay, thông qua internet và các thiết bị điện tử thông minh, học sinh miền núi cũng dễ dàng tiếp cận các tài liệu, clip, phim ảnh liên quan đến yêu đương, tình dục và bị tác động bởi chúng. Học trò dân tộc thiểu số rất nhạy cảm, dễ xấu hổ nên các hình thức can thiệp như đe dọa, ngăn chặn thô bạo đều không mang lại hiệu quả tích cực. Giáo viên thường phải chọn cách tế nhị, mềm mỏng hơn như tâm sự, tạo sự tin tưởng, khuyên răn, giúp các em từng bước tự giác chuyển hướng vào học tập. Trong trường hợp nếu học sinh đó đã yêu và không thể tự dừng mối quan hệ được thì động viên các em giữ gìn tình yêu trong sáng, cùng nhau học tập để xây dựng tương lai, biết cách tự bảo vệ, không để điều đáng tiếc xảy ra.
NGUYỄN MUỘI