Bản sắc văn hóa - tấm hộ chiếu của mỗi dân tộc
Ngày 24.11 tới đây, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra sau 75 năm hội nghị lần đầu tiên mang tầm vóc lớn, là dịp nhìn lại thành tựu 35 năm sau đổi mới và xác định kim chỉ nam để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời đại mới.
Bản sắc văn hóa là tấm hộ chiếu của mỗi dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử phát triển.
Hội nghị còn đặc biệt đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ…; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị còn là dịp động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên (24.11.1946), Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng của đất nước. Có thể nói, đây là Hội nghị có tính chất lịch sử.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trực tiếp khoảng 550 đại biểu, các lãnh đạo các ban, bộ ngành, đoàn thể. Trực tuyến tới tận các tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, làng/bản.
“Trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, chúng ta sẽ dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa, dựa trên đường lối của Đảng và đặc biệt là tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin về văn hóa, về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được Đảng ta xác định là kim chỉ nam cho hành động...
Chúng ta nhìn lại một cách sâu sắc hơn chặng đường 35 năm qua, trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, về văn hóa chúng ta đạt thành tựu gì, gặp những khó khăn gì; những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để từ đó có nhận thức đúng, hành động đẹp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Trong khi đó, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này hết sức có ý nghĩa, một lần nữa khẳng định vị trí của văn hóa, nhưng quan trọng là làm sao để những kết quả của Hội nghị đi vào đời sống. Nếu không, từ nhận thức xã hội cho đến thực tiễn không theo kịp sự phát triển.
“Có người ví hội nghị sắp tới là hội nghị Diên Hồng. Nhưng hội nghị Diên Hồng năm xưa với ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, rất dễ nhất trí với nhau. Còn văn hóa không đơn giản như thế. Văn hóa thực chất có những lợi ích ở đây. Làm thế nào để có sự nhất trí. Nên điều quan trọng là chúng ta phải tìm được các giải pháp để hài hòa những lợi ích xã hội, đồng thời tạo ra được niềm tin, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa”, ông Quốc nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, thời điểm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này chúng ta đang đứng trước bước chuyển của đất nước, của dân tộc; đất nước ta cũng bước sang một trang mới.
“Tôi tin tưởng là sau Hội nghị này sẽ có một bước chuyển về văn hóa. Văn hóa không phải là kèn trống, hoạt động bề nổi mà phải đi vào tư duy, tư duy văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ.
Trong khi đó, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng: Nếu văn hóa không được đặt đúng vị thế, sẽ có thể gây ra những hệ lụy toàn diện và lâu dài. Sự đứt đoạn của văn hóa truyền thống, việc đánh mất bản sắc, tinh thần dân tộc sẽ dẫn đến những con người vong bản. Bởi, bản sắc văn hóa là tấm hộ chiếu của mỗi dân tộc, quốc gia, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh như vũ bão, nếu không chú ý đúng mức đến vị trí, vai trò của văn hóa, không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú cho văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ mất đi nội lực và sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ là nặng nề nhưng rất vẻ vang. Các thế hệ văn nghệ sĩ - trí thức Việt Nam luôn trung thành với đường lối của Đảng, dưới ánh sáng của Luận cứ Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn nghệ sĩ Việt Nam với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng luôn đồng hành cùng dân tộc, sẽ nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức, đổi mới sáng tạo không ngừng vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước.
Trong tuần qua, một số hoạt động đã được tổ chức hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc như triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, hay hội thảo khoa học “Từ Hội Văn hóa cứu quốc tới Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa - văn nghệ”. Các sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, để quảng bá văn hóa Việt Nam thì không chỉ là tuyên truyền mà cần phải qua những kênh khác nhau. Đơn cử như kênh công nghiệp văn hóa. Ở đây chúng ta có những bài học từ một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… qua phim ảnh, thời trang, âm nhạc, quảng cáo, du lịch đã quảng bá đất nước, kinh tế, văn hóa, bản sắc của đất nước mình ra bên ngoài rất tốt. Qua đó đã tạo ra những giá trị tinh thần và vật chất lớn lao. Đất nước ta cũng mới khởi xướng công nghiệp văn hóa 10 năm trở lại đây và mấy năm gần đây có sự phát triển mạnh hơn. “Sức mạnh mềm” của dân tộc, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa của Việt Nam đã được hun đúc, gìn giữ qua hàng nghìn năm. Những giá trị văn hóa của dân tộc cũng được thể hiện trong phim ảnh, văn hóa nghệ thuật để quảng bá với thế giới. Sức mạnh này sẽ thuyết phục, hấp dẫn thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, kể cả trong hoạt động văn hóa, kinh tế, đối ngoại, chính trị. Đây chính là “sức mạnh mềm” của chúng ta.
Theo THANH XUÂN (daidoanket.vn)