Ở nơi tuồng và bài chòi sâu rễ, bền gốc
Ở Bình Định, nghệ thuật tuồng và bài chòi là hai di sản văn hóa được gìn giữ, phát huy khá tốt, nhờ đó đã góp phần làm giàu, đa dạng hóa giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Chung tay giữ gìn di sản của tổ tiên
Năm 2015, nghệ thuật tuồng ở Bình Định được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng thật ra từ nhiều đời qua, người dân Bình Định đã ứng xử với tuồng trong tư cách là “của thừa tự”, là di sản đặc sắc, hồn cốt của quê hương xứ sở.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh không chỉ duy trì, phục hồi những vở tuồng đã có, mà còn sáng tạo những vở diễn đề tài lịch sử, quê hương. - Trong ảnh: Một cảnh trong vở tuồng “Quan khiêng võng”. Ảnh: THẢO KHUY
Đến nay, ngoài Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) còn có hơn chục đoàn tuồng không chuyên vẫn miệt mài lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá nghệ thuật tuồng Bình Định đến với công chúng. Điều đáng mừng là một số đoàn tuồng không chuyên như đoàn tuồng Nhơn Hưng, TX An Nhơn vẫn có diễn viên trẻ nối nghiệp tuồng. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Minh Toàn, Trưởng Đoàn tuồng Nhơn Hưng, chia sẻ: Lớp trẻ ngày nay ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống, nhưng may thay, các con tôi đều có năng khiếu và yêu nghiệp tuồng. Chúng tôi luôn hy vọng mai này Nhà nước sẽ có chính sách mới để có thể thu hút thế hệ trẻ nối nghiệp, giữ gìn nghệ thuật truyền thống nói chung và tuồng Bình Định nói riêng.
Để giữ gìn, phát huy nghệ thuật tuồng, tỉnh Bình Định đã đầu tư tương đối toàn diện, nhờ đó nhiều năm qua, kịch mục của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh ngày càng đầy đặn, đặc biệt là ở mảng đề tài lịch sử, quê hương. Không chỉ có vậy hoạt động đào tạo, nghiên cứu, sáng tác… cũng có nhiều thành công nhất định.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định, bày tỏ: Nhiệm vụ của Nhà hát là phải giữ gìn di sản tuồng - bài chòi, phát huy theo tầm thời đại mà không để “gieo vừng ra ngô” như lời căn dặn của Bác Hồ sau khi Người xem các nghệ sĩ tuồng Bình Định biểu diễn vở Chị Ngộ (tháng 12.1954). Những năm gần đây chúng tôi nỗ lực vừa làm mới tuồng, bài chòi thông qua việc phục hồi, nâng cao các vở diễn, như vậy vừa là tri ân tiền nhân, vừa là đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả hôm nay.
Chính với cách khơi dòng để nghệ thuật truyền thống tìm được chỗ đứng trong đời sống hôm nay mà cùng với nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam, nghệ thuật bài chòi Bình Định được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, cho hay: “Không chỉ thành lập CLB ở các xã, thị trấn, chúng tôi đang dần kết nối với trường học, giúp các em học sinh làm quen với bài chòi để biết cái hay của loại hình nghệ thuật này. Còn người dân thì dần hào hứng và quan tâm các hội đánh bài chòi trên địa bàn huyện khiến chúng tôi thật sự hạnh phúc và cố gắng hơn để phát huy giá trị di sản bài chòi”.
Nhiều năm trước, ở xã miền biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), ai cũng nghĩ bài chòi sẽ sớm mai một, nhưng giờ đây giọng hô bài chòi lại rộn vang khi tết đến, xuân về và những lượt biểu diễn như thế ngày càng dày hơn với nhiều câu thai mới đầy chất thời sự, khiến cả những bạn trẻ cũng vui vẻ đón nhận.
Lão nghệ nhân Nguyễn Dư, thành viên Đội Bài chòi cổ xã Nhơn Hải, hồ hởi khoe: “Năm 2013, theo chủ trương của thành phố, xã thành lập Đội bài chòi cổ để phục vụ nhân dân những dịp lễ, tết. Thật bất ngờ, ngay từ lần đầu biểu diễn bà con hào hứng ủng hộ. Bây giờ mỗi dịp lễ, tết ở xã không có hội bài chòi là chính đám thanh niên nó “vịn” mình nó hỏi chứ không phải là người lớn tuổi. Thấy cái cảnh đó tôi rất sung sướng”.
Phát huy giá trị di sản
Nhắc đến Bình Định là nhắc đến một vùng đất nổi tiếng về võ thuật - nghệ thuật tuồng và bài chòi, tổ hợp này tạo thành nét đặc sắc riêng có của Bình Định mà không nơi nào có được. Trong đó, mấy năm gần đây, nghệ thuật bài chòi đã góp phần khá lớn trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bình Định. Đi đầu trong việc đưa bài chòi trở lại,
TP Quy Nhơn là địa phương liên tục tổ chức nhiều hội thi bài chòi dân gian. Tại nhiều sự kiện văn hóa - thể thao, thành phố khéo léo lồng ghép bài chòi vào. Đặc biệt, để bài chòi sâu rễ, bền gốc, thành phố đã mời nhiều nghệ nhân dạy bài chòi cho học sinh, tổ chức hội thi đánh bài chòi dân gian cho học sinh THCS trên địa bàn…
TX Hoài Nhơn cũng là địa phương đầu tiên nhân rộng mô hình CLB bài chòi dân gian cho từng xã, phường. Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: “Ở Hoài Nhơn, xã nào, phường nào cũng có CLB bài chòi hoạt động, không những vậy, bài chòi còn đưa được vào trường học để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thị xã cũng quan tâm thành lập Đoàn nghệ thuật tuồng Hoài Nhơn để hoạt động. Chúng tôi khuyến khích, quan tâm các địa phương bảo tồn, duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng, bài chòi thành sản phẩm văn hóa để phục vụ du lịch khi du khách đến với Hoài Nhơn”.
Năm 2020, công trình Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với nơi tôn vinh nghệ thuật tuồng, bài chòi, hướng tới xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ du lịch. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tuồng, bài chòi, ngành Văn hóa tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, nâng cao chế độ cho đội ngũ nghệ sĩ; chính sách hỗ trợ hoạt động biểu diễn và truyền dạy của các đoàn nghệ thuật tuồng, CLB bài chòi dân gian trong tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghệ thuật tuồng, bài chòi trong cộng đồng và trong trường học nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ, góp phần quảng bá, giới thiệu nghệ thuật tuồng, bài chòi đến với công chúng…
NGỌC NHUẬN - THẢO KHUY