“Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”
Cách đây 76 năm, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.
Nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm
Ngày 23.11.1945 đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Có thể nói, việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt thể hiện vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra đối với chính quyền ngay từ buổi đầu mới thành lập. Thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu của quản lý và là một thiết chế giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Thanh tra tỉnh khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra năm 2020. Ảnh: Thanh tra tỉnh
Trong suốt 76 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngành Thanh tra đã có nhiều tên gọi khác nhau: Ban Thanh tra đặc biệt (1945 - 1948), Ban Thanh tra Chính phủ (1949 - 1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 - 1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1983), Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984 - 1989), Thanh tra Nhà nước (1990 - 2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2004 đến nay). Dù với tên gọi nào, cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4.1957, Hồ Chủ tịch đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Ðảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Người chỉ rõ: Thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu; “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.
Minh bạch, chất lượng, hiệu quả
Ngành Thanh tra tỉnh Bình Định ra đời sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Trải qua chặng đường 46 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2021), qua nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, cơ chế quản lý và phương thức hoạt động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra tỉnh Bình Định từng bước trưởng thành về nhiều mặt và đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển KT-XH, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh trong những năm qua luôn bám sát, phục vụ thiết thực những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, địa phương. Mỗi năm, ngành thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực KT-XH nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm chính sách, pháp luật như: Quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư, xây dựng cơ bản; tài chính - ngân sách, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng; kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm; đề xuất nhiều kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được thanh tra.
Theo ông Nguyễn Văn Thơm, Chánh Thanh tra tỉnh, truyền thống vẻ vang của Thanh tra Việt Nam nói chung, Thanh tra tỉnh nói riêng là nền tảng và động lực để toàn ngành tiếp tục nỗ lực không ngừng vì sự nghiệp chung.
Theo đó, trọng tâm của hoạt động năm 2022 và những năm tiếp theo là tiến hành hoạt động thanh tra theo hướng chủ động, linh hoạt, bảo đảm tiến độ, bám sát kế hoạch thanh tra được duyệt, đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
“Tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là đối với các DN phải ngày càng được khắc phục triệt để. Các ngành, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện phục hồi, phát triển KT-XH theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo công khai minh bạch, đúng quy trình nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả”, ông Thơm nhấn mạnh.
Năm 2021, giữa nhiều khó khăn do dịch Covid-19, ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành 62 cuộc thanh tra tại 87 đơn vị. Qua đó, đã ban hành Kết luận 46 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 11,6 tỷ đồng và 12.046 m2 đất các loại; xử lý thu hồi về cho Nhà nước gần 9,8 tỷ đồng và 2.724 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý khác về kinh tế gần 1,8 tỷ đồng và 9.322 m2 đất các loại; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính 13 tập thể và 29 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 1 vụ có dấu hiệu tội phạm.
KHẢI THƯ