Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Những kết quả bước đầu
Xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng bộ trong sạch vững mạnh, tạo dựng môi trường đầu tư, phát triển KT-XH, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chú trọng công tác này và đã được những kết quả bước đầu.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong quản lý công chức, công vụ, cải cách thủ tục hành chính, chống các biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; biểu dương cách làm hay trong công tác quản lý; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 20.11. Ảnh: NGỌC QUỲNH
Định kỳ hằng quý, Thường trực Tỉnh ủy duy trì thực hiện nghiêm quy định của Tỉnh ủy về trực báo với các cơ quan nội chính; qua đó, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về các vấn đề liên quan đến công tác nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, nhất là những vụ, việc có nguy cơ trở thành “điểm nóng”; chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án kéo dài. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh chú trọng chỉ đạo nâng cao nhận thức và hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật trong từng ngành và giữa các ngành của địa phương nhằm ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra hoặc kéo dài thời gian giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc, gây bức xúc cho nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý việc, vụ án tham nhũng. Lãnh đạo, chỉ đạo đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của các cấp ủy. Thực hiện rà soát các cuộc thanh tra KT-XH; đẩy nhanh công tác xác minh tin báo tội phạm, tiến độ điều tra, truy tố, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế theo quy định pháp luật; xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, không để kéo dài.
Coi trọng công tác cán bộ và chú trọng phòng ngừa
Chú trọng phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, ngay từ đầu năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch và triển khai công tác PCTN, tiêu cực; ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại cuộc họp Thường trực ban Chỉ đạo ngày 18.3.2021 theo hướng chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm có dấu hiệu vi phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra đến cơ quan điều tra để thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra mới chuyển; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện 24 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 28 cơ quan, đơn vị về thực hiện các quy định công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đã thực hiện 58 cuộc thanh tra hành chính và gần 1.500 lượt kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch công tác PCTN năm 2021 trong các cơ quan hành chính nhà nước; trong đó, tập trung rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nơi thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến công dân, DN…
Công tác cán bộ trong PCTN, tiêu cực được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23.9.2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Kế hoạch luân chuyển, điều động, sắp xếp bí thư cấp ủy không phải là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo nhiệm kỳ 2020 - 2025...
Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định mới đây, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực - đã đánh giá cao những kết quả bước đầu của tỉnh Bình Định trong công tác PCTN, tiêu cực; trong đó, đặc biệt biểu dương quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh trong PCTN, tiêu cực. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình lưu ý, công tác kiểm tra của đảng phải đi trước, mở đường cho các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử; rõ tới đâu xử lý tới đó và phải công khai các quyết định xử lý để nhân dân biết, đồng tình, ủng hộ, đồng thời giám sát việc thực hiện.
NGỌC QUỲNH