Phát triển văn hóa, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
Phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc nhằm xây dựng đất nước hùng cường là nội dung quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra hôm nay (24.11).
Đúng 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, hôm nay (24.11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (sau đây gọi là Hội nghị) chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, việc tổ chức Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Hội nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quy mô của hội nghị khá lớn, bên cạnh việc tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với sự tham dự của gần 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ, tổ chức chính trị, xã hội, hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Niềm tin và khát vọng” chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 do Bộ VH-TT&DL tổ chức tối 21.11, tại Hà Nội. Ảnh: VOV
Nhận thức đúng, thực hành đúng
Nội dung trọng tâm của Hội nghị là hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Cùng với đó là đánh giá sâu sắc hơn thành tựu của văn hóa sau 35 năm đổi mới, cùng những khó khăn, yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Từ nhận thức có tính chất hệ thống đó, yêu cầu đặt ra đối với Hội nghị là xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam với trọng tâm là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu xem các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ đại hội Đảng, trong đó có “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) - văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác Văn hóa, tại Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức ngày 16.11.2021. Ảnh: Báo Văn hóa
Sau Hội nghị, đội ngũ những người làm nghề, thực hành văn hóa, văn nghệ sĩ nói riêng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung sẽ nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Khi đó, chúng ta có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, không bị chệch hướng. Đồng thời, phát huy đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, cần tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại, chủ động khắc phục những tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của con người Việt Nam hôm nay và lâu dài.
Con người là nền tảng
Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN, người dân có thu nhập cao thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng con người. Cụ thể, Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đưa ra vấn đề “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”; qua đó nhấn mạnh xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với 7 đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Tiếp đó, Ðại hội XII của Ðảng (năm 2016) đặt ra yêu cầu “đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Mới nhất, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam
Sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời cách đây hơn 20 năm, một số công trình nghiên cứu lớn về giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới lần lượt được giới thiệu. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là những phương án, chưa đạt được sự thống nhất. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị Việt Nam như một nhiệm vụ cấp bách sau 35 năm đổi mới.
“Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Trích Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).
Hệ giá trị Việt Nam gồm 3 yếu tố cấu thành: Hệ giá trị quốc gia như một biểu tượng, thống nhất ý chí của cả dân tộc, hướng tới mục tiêu chung; hệ giá trị gia đình - tế bào quan trọng nhất của xã hội; hệ giá trị con người Việt Nam mang tính cốt lõi nhất.
PGS.TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng: Xét đến cùng, giá trị gia đình hay giá trị quốc gia chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở giá trị cá nhân được xác lập. Cốt lõi của nó chính là nhân cách, phẩm giá, lương tâm, danh dự, ý thức trách nhiệm.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, xác định hệ giá trị là vấn đề lớn, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Trong quá trình xác định hệ giá trị con người Việt Nam, rất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò gương mẫu trong cán bộ đảng viên, giới văn sĩ trí thức.
Và, bên cạnh các giá trị truyền thống của người Việt Nam cần được phát huy như lòng yêu nước, yêu hòa bình, ý chí độc lập, tự cường, đoàn kết, nhân ái, trong thời kỳ mới cần bổ sung những phẩm chất như sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương. Có vậy mới tạo nên sức mạnh văn hóa dân tộc vĩ đại, vì sự phát triển bền vững đất nước.
MAI LÂM