NGĂN CHẶN NẠN TẢO HÔN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN AN LÃO:
Hiệu quả chưa cao
Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là vấn đề xã hội khá phức tạp trên địa bàn huyện miền núi An Lão. Thời gian gần đây, huyện đã có nhiều kế hoạch, phương án để giảm thiểu nhưng hiệu quả chưa cao.
Chưa hiệu quả
Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện An Lão, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT), trên địa bàn huyện có 51 trường hợp tảo hôn, riêng năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 có 33 trường hợp tảo hôn (xã An Hòa: 2, An Trung: 5, An Hưng: 2, An Dũng: 8, An Vinh: 2, An Nghĩa: 2, An Toàn: 2, thị trấn An Lão: 10). Trong đó cả vợ chồng chưa đến tuổi kết hôn: 9 trường hợp; chỉ có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn là 24 trường hợp.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện An Lão, cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu, ăn sâu vào nhận thức của người dân, chi phối trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cùng với đó là sự nhận thức, hiểu biết pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình của một số đồng bào còn hạn chế. Gia đình quản lý, giáo dục con em chưa chặt chẽ, chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên; công tác giáo dục giới tính ở độ tuổi vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác tuyên truyền ở tuyến cơ sở cũng còn yếu, hiệu quả chưa cao; cùng với đó các địa phương chưa có các giải pháp hữu hiệu và chế tài đủ sức răn đe nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn tại địa bàn. Mặt khác, trong số các trường hợp được thống kê là do họ đi đăng ký mới phát hiện, còn hầu hết các trường hợp khác là không khai báo nên không phát hiện. “Hiện nay, tại một số địa phương trong huyện, việc kiểm tra, đánh giá để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng tảo hôn vẫn còn nhiều hạn chế. Khi phát hiện được thì quá muộn, địa phương chưa kiên quyết xử phạt dẫn đến các trường hợp vi phạm vẫn còn xảy ra”, ông Tâm cho biết thêm.
Cần giải pháp từ cơ sở
TH-HNCHT không chỉ vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lý và sự phát triển thể chất của trẻ em.Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và huyện An Lão vào cuộc quyết liệt và tích cực nhằm từng bước cải thiện tình hình.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, trong những năm qua, huyện đã tích cực triển khai nhiều biện pháp theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS”. Trong đó, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia công tác tuyên truyền, vận động xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân. Nhiều biện pháp, cách làm hay đã được nhiều địa phương áp dụng để giảm thiểu nạn TH-HNCHT. Trong đó, đã thực hiện việc phát tờ rơi, tuyên truyền, tư vấn tại các mô hình phòng chống TH-HNCHT. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức tuyên truyền cho các xã có tỷ lệ tảo hôn cao, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.
Huyện cũng đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II)”. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tại những vùng này rất khó khăn. “Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản giảm thiểu và chấm dứt TH-HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn huyện An Lão, đòi hỏi nhiều biện pháp hơn nữa từ các địa phương để ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở”, ông Lâm nói.
VĂN LƯU