Bình Định đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón khách du lịch quốc tế
Tham dự buổi tọa đàm “Bình Định kích hoạt du lịch xanh: Điểm đến an toàn - Trải nghiệm hấp dẫn” diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua tại TP Quy Nhơn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Định về các bước chuẩn bị phục hồi hoạt động du lịch của tỉnh Bình Định.
Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH
Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp của Bình Định trong việc kích cầu du lịch ngay khi vừa “mở cửa” bình thường mới?
- Trước tiên cần thấy rằng Bình Định là địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách cả trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh cũng rất nghiêm túc trong vấn đề đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong chuẩn bị tái khởi động lại du lịch nội địa, tỉnh đã ban hành rất nhiều các tiêu chí, xây dựng kế hoạch tổng thể cũng như rà soát thực tế chu đáo, theo tôi đây là những bước đi thận trọng cần thiết trong việc khôi phục thị trường du lịch nội địa và là điều kiện hết sức căn bản để có thể đảm bảo rằng du lịch bắt nhịp với bình thường mới.
Hơn nữa tỉnh Bình Định cũng sớm trình Đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế lên Bộ VH-TT&DL, Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Hiện Bộ VH-TT&DL đang nghiên cứu và sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này, nhằm sớm đưa Bình Định trở thành địa phương thứ 6 trong cả nước được đón du khách quốc tế.
Vậy theo ông, tỉnh Bình Định có cần chuẩn bị thêm những gì?
- Chính phủ đã đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11.2021) thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê (charter), chuyến bay thương mại tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa); Quảng Nam; Đà Nẵng. Giai đoạn 2 (từ tháng 1.2022) sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê và quốc tế thường lệ, du khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày; trước mắt kết nối Phú Quốc; Nha Trang (Khánh Hòa); Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ninh. Giai đoạn 3 (từ quý II/2022) mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường du lịch quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Tuy vậy, chúng ta phải cố gắng làm sao để vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm, nếu có thể được sẽ rút ngắn thời gian triển khai các giai đoạn nói trên để tiến dần đến mở lại hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế.
Du khách quốc tế tham quan tháp Bánh Ít (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: HOÀI THU
Qua những hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ VH-TT&DL thì tỉnh Bình Định cần tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ DN đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch để khôi phục thị trường du lịch nội địa.
Riêng với việc đón du khách quốc tế, với những tiêu chí về đảm bảo an toàn về y tế, như tiêm đủ vắc xin, kế hoạch xử lý tình huống trong trường hợp có du khách F0, các điều kiện nâng cao năng lực về y tế, quy trình đón tiếp khách…. thì Bình Định sẽ trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn cho cả du khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
Tổng cục Du lịch có những giải pháp nào hỗ trợ Bình Định cũng như các địa phương khác phục hồi du lịch, thưa ông?
- Việc “mở cửa” đón khách du lịch, đặc biệt du khách quốc tế thì công tác truyền thông quảng bá rất quan trọng. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu Bộ VH-TT&DL về xây dựng nội dung tuyên truyền cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, thông tin tới khách du lịch một cách chi tiết. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp cùng với các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch tới thị trường du lịch quốc tế thông qua phương tiện truyền thông, hệ thống marketing; hỗ trợ đưa sản phẩm du lịch của Bình Định cũng như các địa phương khác lên trên nền tảng mạng xã hội mà chúng tôi đang triển khai để quảng bá du lịch…
Đối với các địa phương, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mình xây dựng hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng; huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các DN, đặc biệt các DN đầu tư lớn trên địa bàn để hình thành nên cụm du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù theo từng địa bàn… để phát triển ngành Du lịch.
Để tái khởi động du lịch thành công, ngành Du lịch cũng mong rằng các địa phương, các cơ quan quản lý, đến các hiệp hội, DN cùng đồng hành, phối hợp chặt chẽ và hành động cụ thể trong giai đoạn phục hồi, phát triển tới đây.
Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
(Thực hiện)