Phát huy vai trò công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, các ứng dụng công nghệ thông tin là một loại vũ khí hữu hiệu hỗ trợ người dân phòng, chống dịch hiệu quả.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sáng 23.11, người dân ra vào liên hệ công việc đều được yêu cầu khai báo y tế bằng quét mã QR qua phần mềm PC-Covid. Theo quan sát, trừ một số rất ít, còn lại phần lớn người dân đều tuân thủ quy định, cài đặt ứng dụng trước hoặc nhờ nhân viên hỗ trợ cài đặt tại chỗ nên việc khai báo diễn ra thuận lợi.
Ngược lại trước cổng ra vào chợ Đầm (ngã tư Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám), có đến 80% người ra vào chợ lại thực hiện khai báo y tế bằng giấy. Tương tự tại điểm thực hiện xét nghiệm RT-PCR của BVĐK tỉnh, đến giờ dù sử dụng điện thoại thông minh nhưng nhiều người vẫn chưa cài đặt ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử, vì thế nhân viên đón tiếp vẫn phải nhập dữ liệu thủ công. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số cơ sở, đơn vị khác.
Chị Vũ Anh, nhân viên một ngân hàng trong tỉnh, cho biết: Tôi đã cài đặt PC-Covid và thường xuyên sử dụng khi ra vào cơ quan cũng như các đơn vị đến liên hệ công tác, thấy rất tiện lợi. Chị Hồng Ngọc, chủ một cửa hiệu bán quần áo, cho hay: Tôi có cài đặt ứng dụng, nhưng đến những điểm không yêu cầu bắt buộc khai báo thì cũng không sử dụng.
Một cuộc khảo sát nhỏ của chúng tôi cho thấy, đa số những người cài đặt và sử dụng thường xuyên ứng dụng PC-Covid là những người trẻ tuổi, những người đi làm, hay thường xuyên đến các cơ quan, đơn vị liên hệ làm việc. Một số khác tuy có cài đặt ứng dụng nhưng ít để ý sử dụng, khai báo nhất là tại những nhà hàng, quán xá lỏng lẻo trong việc nhắc nhở khách hàng khai báo y tế bằng mã QR. Điều đó cho thấy, một bộ phận người dân và nhiều cơ sở dịch vụ chưa nghiêm túc trong việc đảm bảo an toàn phòng dịch.
Sở TT&TT đang phối hợp Sở Y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch, cụ thể là đẩy mạnh việc sử dụng nền tảng tiêm chủng tại địa chỉ https:// tiemchungcovid19.gov.vn để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ảnh của người dân liên quan đến cấp chứng nhận tiêm chủng; ứng dụng PC-Covid để trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, khai báo y tế và truy vết F0 tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Cho đến nay, Sở đã xử lý 3.471 phản ảnh trên nền tảng tiêm chủng; liên thông trả kết quả xét nghiệm trực tuyến cho hơn 100 nghìn trường hợp trên ứng dụng PC-Covid. Những lợi ích thấy rõ của công nghệ giúp người dân hiểu và thay đổi nhận thức trong việc sử dụng PC-Covid”.
Ngành TT&TT cũng tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về tính năng, tiện ích của PC-Covid. Từ đó, tạo thói quen quét mã QR trên PC-Covid mỗi khi ra đườngđể hỗ trợ truy vết. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sở đã xin cấp tài khoản, phân quyền cho Sở Y tế và các địa phương để có thể tiếp cận vào hệ thống dữ liệu quốc gia trích xuất thông tin liên quan đến ngành và địa phương, phục vụ truy vết. Ứng dụng PC-Covid dù tốt đến mấy cũng không thể hoạt động hiệu quả nếu không được “nuôi” sống bằng nguồn dữ liệu đầu vào. Mà nguồn dữ liệu này là do người dân cung cấp thông qua việc thực hiện khai báo y tế. Thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu, tin tưởng và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Với chủ trương của UBND tỉnh về thí điểm quản lý và chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, Sở Y tế đang phối hợp ngành TT&TT thực hiện quản lý F0 thông qua PC-Covid. Sở TT&TT sử dụng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) để hỗ trợ theo dõi và truy vết F0; cập nhập bản đồ số dịch tễ Covid-19 để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về các ca nhiễm và nghi nhiễm, vùng và khu vực cách ly, vị trí chốt kiểm soát… theo thời gian thực; cung cấp số liệu “nóng” hỗ trợ việc điều hành của lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương.
HỒNG HÀ