HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA:
Đổi mới để nâng cao hiệu quả
Thực tế triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy cần có sự đổi mới để khắc phục các vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Tỉnh ta cũng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhiều giải pháp cụ thể.
Hỗ trợ cụ thể, thiết thực
Thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNN&V), Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24.6.2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNN&V, hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DNN&V. Thực hiện Kế hoạch này, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức quán triệt, triển khai Nghị định 55 cho cán bộ pháp chế, cán bộ được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, các DNN&V trên địa bàn tỉnh; tổ chức rà soát các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành có liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho DN để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho DNN&V trên địa bàn tỉnh...
Hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần giúp các DN nhỏ và vừa ổn định sản xuất, đảm bảo quyền lợi của người lao động. - Trong ảnh: Người lao động của Công ty TNHH may mặc An Đẩu (TX An Nhơn). Ảnh: S.L
Hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DN tại tỉnh về nhiều chuyên đề khác nhau với sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và DN, người làm công tác pháp chế của DN trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực tiếp hướng dẫn và giải đáp pháp luật cho DN về quy trình thành lập, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tạm ngừng, giải thể, các vướng mắc liên quan đến tổ chức, quản trị, hoạt động của DN… để hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả.
UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các DN, hiệp hội ngành nghề. Bên cạnh chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp luật mà DN nêu tại các buổi đối thoại, UBND tỉnh còn tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của những tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác minh, làm rõ, tham mưu cho người có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư - kinh doanh, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và DN.
“Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình thực thi pháp luật, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp DN phát triển ổn định, bền vững, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với DN”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân đánh giá.
Cần cơ sở dữ liệu về các vụ việc và vướng mắc pháp lý
Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, bên cạnh hiệu quả, thời gian qua, thực tế triển khai, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DNN&V theo quy định bộc lộ, phát sinh một số khó khăn vướng mắc. Đó là tình trạng một số cơ chế pháp lý, chính sách pháp luật của nhà nước thường xuyên thay đổi, không ổn định, nhiều cơ chế chính sách không đảm bảo tính khả thi. Việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN còn nhiều bất cập… là rào cản, làm hạn chế hoạt động, phát triển của DN. Nhiều đơn vị, DN trong tỉnh không bố trí được cán bộ pháp chế kiêm nhiệm công tác hỗ trợ pháp lý, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế bị hạn chế.
Để khắc phục những vướng mắc, bất cập đó, trước hết cần đổi mới thể chế, đổi mới về việc cung cấp thông tin. Cụ thể, trên Trang thông tin hỗ trợ DN (Bộ Tư pháp) cần bổ sung thêm chuyên mục cảnh báo rủi ro pháp lý đối với DNN&V; thường xuyên cập nhật, đăng tải một số bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến DN được phép công khai để các DNN&V tham khảo. Tại mục tư vấn pháp luật cho DN trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, cần đưa ra các câu trả lời về các vấn đề mà DN đang quan tâm để thu hút được sự tham gia của các DN đối với hoạt động này.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức tư vấn pháp luật cho DN như: Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật cho DN thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp, thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm để kịp thời tư vấn cho DN qua điện thoại, email và các hình thức khác để kịp thời hỗ trợ khi có đề nghị.
Đặc biệt, cần gấp rút xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về các vụ việc và vướng mắc pháp lý, bởi đây là nguồn dữ liệu quan trọng không chỉ với hoạt động hỗ trợ pháp lý DN mà rất có ý nghĩa với hoạt động trợ giúp pháp lý, xét xử, giảng dạy và nghiên cứu khoa học pháp lý.
“Riêng đối với công tác hỗ trợ pháp lý DN, cần tóm tắt và giải thích các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận”, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lê Thành Trung đề xuất.
SAO LY