Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em
Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, ngày 25.11, UNESCO và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em.
Tọa đàm nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí, truyền thông cũng như vấn đề bình đẳng giới trong báo chí và truyền thông. Sự kiện đồng thời ra mắt phiên bản tiếng Việt của tài liệu “Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái - Cẩm nang dành cho Nhà báo” tới các phóng viên, sinh viên báo chí, các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý báo chí, truyền thông.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hằng năm là dịp để các cá nhân, các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại năm châu không phân biệt ngôn ngữ, màu da và dân tộc thắp sáng ngọn lửa đấu tranh để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Trong công cuộc đó, báo chí và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức cho xã hội về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.
Theo ông Tuấn, để báo chí có thể hoàn thành tốt vai trò đó thì nhà báo cần được trang bị và cập nhật đầy đủ kiến thức, kỹ năng thái độ đúng đắn khi tác nghiệp về vấn đề rất quan trọng này. Cách tiếp cận và xử lý thông tin về các nhân vật là nạn nhân của bạo hành từ các góc máy quay, hình ảnh, lời nói, chân dung của họ được thể hiện như thế nào để tránh làm tổn thương họ thêm.
“Kỳ vọng buổi tọa đàm sẽ cung cấp những hiểu biết cơ bản về các dạng thức bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, nội dung và cách thức phản ánh của báo chí về vấn đề đặc biệt là các phương pháp tác nghiệp của nhà báo khi phản ánh về các vấn đề có liên quan. Tọa đàm cũng sẽ gợi mở những suy nghĩ sâu hơn về đạo đức nghề nhiệp của nhà báo và trách nhiệm của tòa soạn, nhà trường và xã hội nói chung trong việc bảo vệ nhà báo nữ”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Bà Lucila Carrasco, Đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.
Bà Lucila Carrasco, Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Tọa đàm trực tuyến này là cơ hội tuyệt vời để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong truyền thông và báo chí, đồng thời là một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Mọi hình thức truyền thông và báo chí đều có vai trò quan trọng vì đều có sức mạnh thay đổi hành vi và định hướng tư duy của mọi người”.
Bà Lucila Carrasco giới cũng đã chia sẻ về cuốn cẩm nang “Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái - Cẩm nang dành cho Nhà báo” sẽ giúp các nhà báo giải quyết khó khăn khi đưa tin về những vấn đề giới”. Đây là tài liệu do UNESCO xuất bản năm 2019 mang đến nguồn tư liệu hữu ích dành cho các nhà báo, sinh viên báo chí, giảng viên, chuyên gia báo chí và truyền thông trên toàn thế giới; là một công cụ giàu thông tin, có thể hỗ trợ thiết thực cho các nhà báo khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chia sẻ tại tọa đàm.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) khẳng định báo chí luôn giữ một vai trò quan trọng nhất định đối với vấn đề bạo lực ở phụ nữ và trẻ em. Thế nhưng với một phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp về vấn đề này cần trang bị một số các kỹ năng cần thiết “đó là kỹ năng làm việc với người bị tổn thương; kỹ năng làm việc với các đơn vị/cá nhân cung cấp thông tin; đạo đức của nhà báo khi viết tin bài về sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái”.
Bàn về vấn đề “Báo chí giải pháp”, theo ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhà báo nên phân tích vụ việc dưới góc nhìn bình đẳng giới; Tăng tin bài, hình ảnh, nội dung tích cực về phụ nữ, đặc biệt là những câu chuyện hay, truyền cảm hứng cho xã hội; Xác định rõ hiện tượng/bản chất để hạn chế sa đà vào chi tiết, hiện tượng tiêu cực liên quan đến phụ nữ và trẻ em, không nên chú ý nhiều vào tình tiết mà nên tập trung vào tính vấn đề; Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về cách xử lý hoặc giải quyết vụ việc một cách nhân văn, đáng học hỏi….
Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chia sẻ trực tuyến.
Buổi tọa đàm đã tập trung nhận diện vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em, đưa ra phương thức tiếp cận và thảo luận về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên báo chí và trong tác nghiệp của nhà báo thông qua các trường hợp cụ thể. Từ đó, tọa đàm gợi mở cho các nhà báo tham dự suy ngẫm nhằm thúc đẩy các thực hành đạo đức khi đưa tin, bài về bạo lực giới.
Theo Nguyễn Hà (VOV.VN)