Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại huyện Tuy Phước: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuy Phước triển khai hiệu quả. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua phát triển KT-XH tại địa phương.
Tại xã Phước Hòa, bảng công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các thủ tục hành chính (TTHC); quyết toán ngân sách, các dự án, công trình đầu tư xây dựng; nội quy tiếp công dân được lắp đặt ở sảnh trung tâm trụ sở UBND xã, giúp người dân tới liên hệ công việc dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, tại nhà văn hóa của mỗi thôn cũng thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai phương án đền bù khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; việc bình xét hộ nghèo; đề án xây dựng nông thôn mới để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Người dân xã Phước Hòa tìm hiểu các quy định về thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Ảnh: VĂN LỰC
Còn tại xã Phước Hưng, thông qua hệ thống truyền thanh và các cuộc họp nhân dân ở mỗi thôn, những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND về phát triển KT-XH được người dân nắm bắt dễ dàng. Qua đó, hầu hết những hoạt động liên quan đời sống xã hội đảm bảo đều có sự tham gia giám sát của các tầng lớp nhân dân tại địa phương, phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân.
Ông Lê Anh Duy, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết: Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, người dân trong xã trực tiếp bàn, quyết định, kiểm tra nhiều nội dung như: Huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước; quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo; bình xét hộ nghèo; giám sát các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp; giám sát thu, chi ngân sách địa phương và các khoản đóng góp của người dân…
Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; tiếp công dân 1 lần/tuần theo quy định. Triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc giải quyết TTHC cho người dân đảm bảo chất lượng và đúng luật.
Theo UBND huyện Tuy Phước, thời gian qua, UBND các xã, thị trấn quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với việc đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia đóng góp ý kiến, giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương.
Đến nay, 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng. Ban thanh tra nhân dân làm tốt vai trò giám sát hoạt động của UBND, như: Việc thực hiện chính sách pháp luật; việc giải quyết khiếu nại tố cáo; việc thực hiện QCDC ở cơ sở…; góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, khi xây dựng hương ước, quy ước, 100% số thôn trong huyện tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức như họp thôn, phát phiếu đến hộ gia đình, thông báo qua loa phát thanh. Nội dung của quy ước, hương ước bám sát tình hình thực tế, tập trung vào các vấn đề đời sống khu dân cư, như: ANTT, vệ sinh môi trường, việc cưới, việc tang, kế hoạch hóa gia đình… Nhờ đó, góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư; 101/101 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay: Việc thực hiện QCDC tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, trực tiếp bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở. Nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về dân chủ, thực hành dân chủ được nâng cao. Qua đó, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
VĂN LỰC