Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương:
Tội phạm có tổ chức kiếm 90 tỉ USD/năm
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) hôm 16.4 công bố báo cáo cho biết, các nhóm tội phạm có tổ chức ở Đông Á và Thái Bình Dương hàng năm thu về gần 90 tỉ USD nhờ buôn bán động vật hoang dã trái phép, hàng giả, ma túy và buôn người.
Một trẻ sơ sinh được cứu thoát khỏi đường dây buôn bán người trái phép tại Trung Quốc
Báo cáo này ước tính, những lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia là hàng giả (24,4 tỉ USD), đồ gỗ (17 tỉ USD), heroin (16,3 tỉ USD) và chất gây nghiện methamphetamine (15 tỉ USD).
Ngoài ra, dược phẩm giả (5 tỉ USD), giao dịch trên thị trường chợ đen đối với các linh kiện điện tử đã qua sử dụng (3,75 tỉ USD) và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp (2,5 tỉ USD) cũng đem lại lợi nhuận cao cho các nhóm tội phạm.
Cũng theo UNODC, các hoạt động đưa người nhập cư trái phép, buôn bán phụ nữ liên quan đến mại dâm và lao động thông thường cũng đem lại cho giới tội phạm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Đại diện của UNODC ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Jeremy Douglas cho biết, mối đe dọa từ tội phạm có tổ chức hiện lớn đến nỗi có thể “gây bất ổn cho xã hội trên toàn cầu”. Buôn bán hàng giả là hoạt động sinh lời nhất, bất chấp hoạt động này được coi là hình thức tội phạm “mềm”, trong đó Trung Quốc là nơi sản xuất hàng nhái nhiều nhất.
Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), 75% hàng giả bị bắt giữ trên toàn thế giới từ năm 2008-2010 xuất phát từ Đông Á, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Lê Quảng (theo AFP)