Đề xuất bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn": Lỗi không ở chữ "lễ" mà do áp đặt và hiểu sai
PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, xã hội phát triển cần có triết lý giáo dục mới, đó vẫn là dạy con người cả đạo đức, nhân cách lẫn tài năng trí tuệ, như vậy “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn sẽ còn mãi, chỉ có điều luận giải nó, đưa triết lý giáo dục vào thế nào cho phù hợp.
Bài viết trong kỷ yếu Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21.11 của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm có đưa ra quan điểm nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trong bài viết của mình, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm. (Ảnh: KT)
Để có con người chủ động, cần loại trừ tính thụ động ở người dưới (học trò, con cái) và tính áp đặt ở người trên (thầy cô, cha mẹ). Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi”, ngoan theo nghĩa dễ bảo, vâng lời, giỏi theo nghĩa thuộc bài…
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cũng nói thêm rằng: “Để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng, thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa, cách ra đề thi kèm theo đáp áp, chấm dứt cách học bài theo mẫu. Chừng nào còn đề cao chữ lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”.
Trao đổi với PV về nội dung này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sau khi đọc toàn bộ bài tham luận của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, bản thân ông ủng hộ quan điểm của GS Thêm khi cho rằng khi bước vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng con người hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của đất nước bằng tri thức, cần giáo dục con người chủ động, sáng tạo, có tư duy phản biện và là con người phát triển.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Quý Đức cũng cho rằng, xưa nay, xã hội thường đề cao nhấn mạnh tinh thần cấu kết cộng đồng, nhưng trong xã hội mới, ngoài những phẩm chất trên, còn cần giáo dục con người biết tự khẳng định mình, có tính sáng tạo cá nhân. Con người ấy phải biết khẳng định giá trị và lợi ích bản thân, song cũng cần lưu ý điều này khác hoàn toàn với chủ nghĩa ích kỷ, vị kỷ.
PGS.TS Lê Quý Đức nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
“Nói đến “Tiên học lễ, hậu học văn”, GS Trần Ngọc Thêm có nói chúng ta sẽ đào tạo ra những con người chỉ biết nghe lời, chỉ biết là công cụ thể thực hành. Tôi bổ sung thêm rằng, việc đưa ra một triết lý giáo dục mới là hoàn toàn đúng, con người phải khẳng định được cái cá nhân của mình mới có thể tự do, dân chủ. Quan điểm của thầy Trần Ngọc Thêm đúng, nhưng tôi không đồng tình ở chỗ đừng khuôn chữ “lễ” vào phạm vi rất hẹp, đừng chỉ hiểu chữ “lễ” theo cách hiểu ngày xưa. Khi đọc bài viết của GS Thêm, tôi hiểu rằng ông đang phê phán chữ “lễ” theo cách hiểu xưa, trò phải nghe lời thầy, thầy giáo áp đặt cho học trò, thầy thể hiện quyền lực với học trò.
Trong kinh tế thị trường hôm nay, cũng có những giáo viên còn lợi dụng quyền uy mà bản thân nghĩ là mình có - sinh ra từ chính chữ “lễ” của xã hội phong kiến để cho rằng thầy có quyền áp đặt trò, thậm chí có những trường hợp lợi dụng quyền đó để kiếm tiền và kiếm cả tình”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Quý Đức cho rằng, nếu hiểu chữ “lễ” là khuôn mẫu áp đặt, là thầy nói trò phải nghe. Học trò ngoan, biết nghe lời là có đạo đức, áp dụng những tiêu chí, tiêu chuẩn của xã hội phong kiến, cổ truyền vào xã hội mới ngày nay không còn phù hợp.
“Cái lỗi không phải ở chữ “lễ” mà là do người ta đang hiểu sai chữ “lễ” và áp đặt với nó. Họ vẫn sử dụng cái vỏ ngôn ngữ ấy, cho nó một ý nghĩa cũ và sử dụng ý nghĩa cũ để áp đặt trong xã hội mới. Tôi cho rằng, cần diễn giải lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” bằng triết lý giáo dục mới. Trong triết lý giáo dục mới, người thầy chỉ là người truyền đạt, khai mở, nêu gương, chính bản thân mỗi người thầy cũng cần thấm nhuần điều này và thay đổi tâm lý. Các thầy phải nghĩ rằng làm sao để đào tạo ra những học trò giỏi hơn thầy mới là điều hạnh phúc chứ không phải dạy để có trò nghe lời thầy, trò phải dám nghĩ cái mới, phát hiện cái mới và đấu tranh cho cái mới, cái đúng.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, người thầy thực chất không có bất cứ quyền lực nào. Nhưng bản chất của người Việt xuất thân từ xã hội nông thôn, nông nghiệp, nhiều người vẫn có tâm lý muốn có quyền lực và áp đặt quyền lực vào người khác. Khi người thầy không thể áp đặt quyền lực bên ngoài xã hội, thì lại sử dụng khái niệm “lễ” của xã hội cũ cho học trò”, PGS.TS Lê Quý Đức nêu quan điểm.
Bỏ chữ “lễ” là xóa bỏ chức năng giáo dục của văn hóa
PGS.TS Lê Quý Đức cũng nhấn mạnh rằng, cần hiểu chữ “lễ” là giáo dục những khuôn mẫu của đời sống xã hội, khuôn mẫu ấy có thể là khuôn mẫu đạo đức, hành vi, khuôn mẫu văn minh, chữ “lễ” rất rộng.
Nhắc đến chức năng cơ bản nhất của văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng đó chính là đào tạo con người. Ở phương Tây, người ta quan niệm văn hóa là khai mở tinh thần trí tuệ con người, gắn với triết học, đó cũng chính là chức năng dạy chữ “lễ” cho con người.
“Ở xã hội xưa hay nay đều thế, nếu bỏ chữ “lễ” đi tức đã hạ thấp hoặc xóa đi chức năng trồng người của văn hóa. Tóm lại, xã hội phát triển cần có triết lý giáo dục mới, đó vẫn là dạy con người cả đạo đức, nhân cách lẫn tài năng trí tuệ như vậy “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn sẽ còn mãi, chỉ có điều luận giải nó, đưa triết lý giáo dục vào thế nào cho phù hợp”, PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
“Trong bài tham luận, GS Trần Ngọc Thêm có phân biệt về văn hóa giáo dục và văn hóa học đường. Văn hóa giáo dục rộng hơn văn hóa học đường cả về nội dung và không gian. GS Thêm cũng nói nếu có thể thì nên suy nghĩ văn hóa giáo dục là tất cả các hoạt động giáo dục con người từ gia đình, nhà trường, toàn thể xã hội, văn hóa học đường là văn hóa giáo dục trong nhà trường, vậy thì văn hóa giáo dục theo nghĩa rộng ấy phải giáo dục cả “văn” - mà theo GS Trần Ngọc Thêm chính là tri thức tự nhiên và tri thức kỹ thuật.
Theo tôi, trong văn hóa giáo dục, cả “lễ” và “văn” cần hài hòa với nhau. Nhưng trong văn hóa học đường, thì có thể ưu tiên việc giáo dục “văn” là tri thức, khoa học kỹ thuật hơn, nhưng không phải bỏ “lễ”, còn văn hóa giáo dục của toàn xã hội thì cần giáo dục “lễ”, bởi việc dạy “lễ” không chỉ có nhà trường mà cần cả gia đình, toàn xã hội”- PGS.TS Lê Quý Đức.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)