TỪ NHỮNG SỰ CỐ TRÊN LƯỚI TRUYỀN TẢI ĐIỆN 220 KV GẦN ĐÂY:
Giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn!
2 sự cố trên đường dây 220 kV - thuộc hệ thống truyền tải điện quốc gia do Truyền tải điện Bình Định (Công ty Truyền tải điện 3) quản lý - liên quan đến việc vận chuyển thiết bịsiêu trường, siêu trọng gần đây được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng - an toàn lưới điện truyền tải cho tỉnh Bình Định và khu vực lân cận. Ông Phạm Minh Đông, Phó Giám đốc Truyền tải điện Bình Định, cho hay: Cả 2 vụ sự cố đều liên quan đến việc vận chuyển các thiết bị điện gió, đều xảy ra tại khu vực đèo An Khê, thuộc địa phận huyện Tây Sơn, gây tổn thất rất lớn.
Cụ thể, khoảng 15 giờ, ngày 9.11, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Việt Thái trong quá trình vận chuyển cánh quạt điện gió cho Nhà máy điện gió Chơ Long (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) khi đi vào đèo An Khê đã gây sự cố làm gián đoạn truyền tải điện 1 giờ 43 phút, tổng sản lượng điện không truyền tải được là hơn 389 nghìn kWh. Trước đó lúc 9 giờ 12 phút, ngày 13.7, cũng trên cung đường đèo này, Công ty CP vận tải Đa Quốc Gia vận chuyển cánh quạt điện gió (dài 77 m, nặng 16,2 tấn) cho Công ty CP Điện gió Cửu An (TX An Khê, tỉnh Gia Lai) cũng gây sự cố lên lưới điện 220 kV làm gián đoạn truyền tải điện tới 2 giờ 45 phút, với tổng sản lượng điện không truyền tải hơn 431 nghìn kWh.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện, việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng qua đèo An Khê được tổ chức triển khai, giám sát chu đáo. Ảnh: Đ. PHƯƠNG
Ngay khi sự cố đầu tiên, Truyền tải điện Bình Định đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư dự án điện gió, đơn vị vận chuyển để xây dựng phương án vận chuyển an toàn, cùng với đó đơn vị cũng tăng cường tuần canh các tuyến đường dây 220 kV.
Ông Trần Minh Khoa, nhân viên Đội Truyền tải điện Quy Nhơn (Truyền tải điện Bình Định), người đang giám sát tuyến đường dây tại một cung đường đèo An Khê, cho biết: Những tháng này trên đèo An Khê thường có mưa lớn, sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn, trong khi đó hầu hết tài xế điều khiển phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đều ít kinh nghiệm lưu thông qua đèo. Gặp những lúc như thế, chúng tôi đề xuất tạm dừng tại điểm trung chuyển dưới chân đèo, chỉ tiếp tục khi thời tiết thuận lợi hơn.
Ngày 22.11 chia sẻ với chúng tôi về việc đảm bảo vận chuyển an toàn thiết bị siêu trường, siêu trọng đặc biệt tại những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn cho đường dây truyền tải 220 kV ông Vũ Công Tuân, Đội trưởng Đội vận chuyển (Công ty CP vận tải Đa Quốc Gia), cho biết: Chúng tôi đang vận chuyển thiết bị cho 4 dự án nhà máy điện gió ở tỉnh Gia Lai. Sau sự cố ngày 13.7, nhờ phối hợp tốt với các bên liên quan đặc biệt là Truyền tải điện Bình Định, đến nay chưa để xảy ra sự cố nào nữa.
Rút kinh nghiệm từ các sự cố, Công ty CP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex - DN nhận vận chuyển cánh quạt điện gió cho dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, đã trang bị thêm thảm cách điện bọc ở đuôi thiết bị, gắn thiết bị cảnh báo khoảng cách an toàn trên cánh quạt gió, bổ sung thêm người trong các đội giám sát đầu xe, giám sát cuối xe. Với cách làm cẩn trọng này đơn vị đã vận chuyển an toàn 19 trong tổng số 30 cánh quạt gió siêu trường, siêu trọng.
“Cùng với việc gửi trước kế hoạch, phương án vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hằng tuần, hằng tháng, chúng tôi còn yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện gió, đơn vị vận chuyển phải thông báo và được Truyền tải điện Bình Định xác nhận 2 giờ đồng hồ trước khi phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng rời cảng” - ông Phạm Minh Đông cho biết.
ĐÌNH PHƯƠNG