NHẠC SĨ TRƯƠNG QUANG LỤC:
Bình Định có một chỗ riêng trong trái tim tôi
Nhạc sĩ Trương Quang Lục là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Vàm Cỏ Đông, Trái đất này là của chúng mình, Chỉ có một trên đời… Trong số các sáng tác của nhạc sĩ Trương Quang Lục, đáng chú ý có một ca khúc viết về Bình Định, là tiếng lòng tri ân vùng đất ông từng có thời gian gắn bó.
Ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân tình, chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của ông về Bình Định - vùng đất đã chiếm một chỗ riêng trong trái tim ông.
Thưa ông, được biết trước đây ông từng có thời gian sinh sống ở Bình Định?
- Tôi đến Bình Định trong kháng chiến chống Pháp và ở đây từ năm 1949 đến năm 1952. Thời gian đầu tôi là học sinh lớp đệ nhất chuyên khoa Trường Trung học Nguyễn Huệ tại Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Lúc đó toàn miền Nam Trung bộ, chỉ có Bình Định mở cấp ba. Năm sau trường không có lớp đệ nhị chuyên khoa, tôi ở lại Bình Định và được tuyển vào làm cán bộ văn hóa - văn nghệ cơ quan Hỏa xa Liên khu 5 đóng tại Hoài Xuân, Hoài Nhơn. Cơ quan này quản lý hệ thống đường sắt từ Quảng Nam đến Bình Định.
Trước khi rời miền Nam tập kết ra Bắc, tôi đã ở Quy Nhơn một thời gian ngắn.
Vậy chắc là Bình Định để lại nhiều kỷ niệm trong ông…
- Thời gian tôi học tập và công tác tại Bình Định tuy ngắn nhưng vùng đất và con người nơi đây đã để lại trong tâm trí tôi nhiều tình cảm tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc. Ngôi trường, nhà cơ quan bằng tre lá cùng thầy cô bạn bè, cán bộ nhân viên thân quen thời kháng chiến là những hình ảnh không phai mờ trong lòng tôi qua bao nhiêu năm, đến tận hôm nay vẫn cứ rõ mồn một. Bình Định chiếm một chỗ riêng trong trái tim tôi… Phần nhiều những người tôi quen biết khi ấy nay đã yên nghỉ, tôi cũng đã gần chín mươi tuổi rồi còn gì! Và điều đáng nhớ nhất là những con người Bình Định hiếu khách, tình cảm đáng mến. Và tôi rất vui khi được đến với quê hương của những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mạc Tử…
Trong khoảng thời gian ở Bình Định, ông dành nhiều thời gian cho sáng tác âm nhạc?
- Lúc học cấp hai ở quê nhà Quảng Ngãi tôi đã bắt đầu sáng tác, nhưng kỹ thuật còn non. Trong thời gian ở Bình Định, nhờ được học hỏi nhiều, có thêm kinh nghiệm và vốn sống nên tác phẩm của tôi có khá hơn và bắt đầu được phổ biến ở Bình Định và các tỉnh Nam Trung bộ. Đó là những ca khúc viết cho thanh thiếu niên, học sinh, cho cán bộ nhân viên đường sắt và tất nhiên cả những bài tình ca lãng mạn nữa.
Sáng tác nào của ông viết khi ở Bình Định mà ông tâm đắc nhất?
- Tôi viết hàng chục ca khúc lúc ở Bình Định, may mắn có hai bài được nhiều người yêu mến, phổ biến rộng rãi. Bài đầu là Chuyến tàu trăng, sáng tác trong một đêm trăng đi công tác trên xe lửa (thời đó xe lửa chỉ chạy ban đêm), sau năm 1954 được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam (Thanh Hiếu - Huyền Nga song ca), sau năm 1975 trên truyền hình TP Hồ Chí Minh (tam ca Áo trắng thể hiện). Bài thứ hai là một ca khúc dành cho thiếu nhi, bài Tuổi xanh (sau đổi nhan đề là Hoa xuân đất nước), đến nay còn phổ biến trong các cuộc liên hoan văn nghệ thiếu nhi các tỉnh thành trong nước. Chính nhờ có cái đà “khởi động” ban đầu đó ở đất Bình Định, mà sau này tôi được tham gia Hội Nhạc sĩ Việt Nam lúc thành lập năm 1957 tại Hà Nội và từ đó viết nên Vàm Cỏ Đông, Hoa sen Tháp Mười, Trái đất này là của chúng mình, Chỉ có một trên đời…
Về sau này, khi không còn ở Bình Định nữa nhưng do gặp nhiều người bạn quê gốc Bình Định, nghe họ kể về nơi chôn nhau cắt rốn, tôi cũng hào hứng bộc bạch về khoảng thời gian đáng nhớ khi còn ở nơi đây. Và gần đây, tôi đã viết ca khúc Khúc tình ca Bình Định như một sự tri ân vùng đất này.
Ông có thể chia sẻ thêm đôi lời về ca khúc “Khúc tình ca Bình Định”?
- Cách nay không lâu, có cuộc vận động sáng tác ca khúc về quê hương Bình Định, tôi đã nhiệt tình hưởng ứng để thể hiện tình cảm bản thân đối với vùng đất đã cưu mang mình lúc mới lớn và khi chập chững vào đời. Tôi đến gặp nhà thơ nổi tiếng Hải Như lúc đó đang ở TP Hồ Chí Minh (cụ đã mất cách đây ít lâu) sau đó nhận được bài thơ của cụ và phổ nhạc thành ca khúc Khúc tình ca Bình Định. Sau khi bài hát ra đời ít lâu, tôi được biết có một số ca sĩ đã thể hiện bài này: Cô Kim Hiếu ở Quy Nhơn, cô Bích Phượng, cô Thùy Dương và anh Lê Anh Tuấn ở TP Hồ Chí Minh. Thú thật là tôi mong sao trong thời gian tới, sẽ có đôi song ca nam nữ quê gốc Bình Định biểu diễn bài hát này.
Thưa, vậy ông có ý định trở lại thăm nơi mình từng gắn bó không?
- Về thăm lại Bình Định đó là ước nguyện từ lâu của tôi. Một số bạn Bình Định hiện sống tại TP Hồ Chí Minh kể rằng những nơi tôi từng sống trong kháng chiến chống Pháp giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Nhà cửa, đường sá to đẹp, đàng hoàng, cuộc sống vui tươi, sôi động hơn trước. Những lời kể từ họ càng làm cho tôi thêm háo hức, muốn trở lại chốn xưa. Tôi mong nhất là có dịp gặp gỡ giao lưu với các bạn trong giới âm nhạc và bạn trẻ thanh thiếu niên nơi đây.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện lý thú này. Và chúc ông sớm đạt được ước nguyện của mình là về thăm lại Bình Định.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục sinh năm 1933, quê ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ văn hóa, văn nghệ của cơ quan Đường sắt Liên khu 5. Sau năm 1954, ông chuyển ra miền Bắc, học Trường Âm nhạc Việt Nam và học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ông về làm kỹ sư hóa chất ở Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; vừa làm ông vừa tiếp tục sáng tác nhạc. Sau năm 1975, ông vào Nam, công tác tại Khu công nghiệp Biên Hòa, sau đó làm báo Sài Gòn Giải phóng đến khi nghỉ hưu; hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng tham gia viết nhiều nhạc phim, nhạc sân khấu, nhạc múa rối, viết nhiều công trình nghiên cứu, lý luận.
VÂN PHI (Thực hiện)