Thay lời con mang trên núi Chóp Chài
Ghi chép của TRẦN THẤT CA
Ngay cả giữa những mưa như thế này vẫn có người lên núi bẫy thú, vài tuần nữa thôi khi trời ngớt mưa, lúc những cơn gió lạnh hun hút luồn qua thung sâu, khe vắng, nhiều người dân ở ven hồ Phú Hà, quanh quanh đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ lại xôn xao bàn tính cho những chuyến vây bắt mang; hàng trăm hàng ngàn chiếc bẫy, những tấm lưới to, những bầy chó thạo việc dồn đuổi thú đã sẵn sàng…
Chóp Chài là dãy núi cao dài nhất miền duyên hải Bình Định. Nó bắt đầu từ đèo Phủ Cũ, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ và kết thúc ở bờ biển Lộ Diêu, thuộc xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn. Ở dãy núi dài hàng chục cây số này vài ba mươi năm trước có rất nhiều loài thú hoang nhưng bị săn bẫy nhiều nhất là con mang (hay còn gọi là con đỏ, con “vận may”, con “tài lộc”). Ngớt những ngày mưa dầm dề khi mầm xanh non nhú lên là lúc mang nhởn nhơ tìm thức ăn, nhiều khi say chồi non quên bẵng nguy hiểm chực chờ, chúng lạc bước ra tận chân đèo.
Núi Chóp Chài nhìn từ thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ. Ảnh: TRẦN THẤT CA
Nhiều người tin rằng ăn thịt mang sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, nhất là từ tầm tháng Chạp vắt sang tháng Giêng, Hai. Ngày xưa người quê chỉ vây bắt, bẫy rập mang vào tháng Chạp để “ăn lấy hên” nhưng nay loài mang bị vây bắt ráo riết quanh năm đến mức con mang núi Chóp Chài đứng bên bờ tuyệt chủng!
Hồ Phú Hà ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ là nơi bốn mặt giáp núi, cây rừng xanh ngăn ngắt soi bóng một màu sơn thủy hữu tình. Nhưng nếu là người địa phương hoặc chịu khó luồn rừng sẽ tin ngay nơi đây chất chứa những cơn sóng ngầm hủy diệt thú rừng. Không quá khó để tìm thấy những chiếc xe máy phơi sương, phơi nắng cả tuần, những chiếc ghe neo thường xuyên - phương tiện của những người chuyên săn bẫy, giăng lưới bắt mang.
Nhìn chung Nhà nước đã có những quy định về bảo vệ động thực vật hoang dã nhưng riêng con mang rừng lại chưa có văn bản cụ thể nào xếp chúng vào loài cần phải bảo vệ, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được đưa vào Sách Đỏ, cấm săn bắt và buôn bán... Điều này khiến số lượng mang vào đà suy kiệt. Đến nay chưa có cuộc khảo sát, thống kê, nghiên cứu khoa học nào về loài mang trên phạm vi cả nước nói chung và ở Bình Định nói riêng, nhưng theo nhiều người dân địa phương vùng chân núi Chóp Chài, ven đầm Trà Ổ con mang đã rất hiếm so với trước. Bất chấp dịch Covid-19 người ta vẫn rủ đi săn bẫy mang bởi giá mỗi cân thịt mang từ xấp xỉ 900 nghìn đã lên 1 triệu đồng và nay đã vọt lên 1,2 triệu đồng.
Sớm mai của một ngày ngớt mưa giữa tháng 11. Tôi đứng ở chỗ bến quen chỉ non ba mươi phút nhưng kịp chứng kiến ba nhóm thợ săn bơi thuyền về phía núi Chóp Chài, trên thuyền là lủ khủ những dụng cụ đặt bẫy cùng thực phẩm, gạo dầu mắm các thứ… Ngày trước thợ săn lùa chó vô núi buổi sáng đến chiều là về, có hay không có cũng về. Giờ những người đi săn bẫy chuyên nghiệp dựng cả lán trại kiên cố trên núi, mang cả gạo nước mắm muối để ăn ở dài ngày đặng bắt cho được thật nhiều thú rừng.
P. một người quen của tôi phân trần, nhóm tụi em 4 người, tuần trước ở trên núi năm ngày đến khi hết sạch gạo mắm mà không có gì, đành về. Trên núi ngó vậy chớ cũng nhiều nhóm lắm anh, tối tối thợ săn đi thăm bẫy còn hú gọi chào nhau vang cả mặt hồ nữa kìa. Tính ra giờ bẫy rập còn nhiều hơn cả cây rừng to, bẫy dày đặc sang tận bên Hoài Mỹ. Gần đây cùng với mang người ta còn đem cả lồng như lồng bẫy chuột đi bẫy sóc rừng.
Mang là loài sống đơn độc, chúng chỉ ghép đôi vào mùa sinh sản. Mỗi năm mang chỉ sinh 1 lứa và thường chỉ đẻ 1 con. Mang thích sống ở các cánh rừng thưa, rừng cây bụi hoặc ở những thung lũng có nhiều cây non. Là loài thú thích sống và kiếm ăn ở nơi thoáng mát, quang đãng, khô ráo, mang lại hiền và không có bất cứ vũ khí nào để tự vệ, gặp nguy hiểm cách duy nhất của chúng là tháo chạy. Đẻ ít lại quá dễ bị săn bắt, bẫy rập như đã nói ở trên, loài mang đang lẳng lặng bước vào danh sách tuyệt chủng. Nghĩ đến đây và hình dung những đôi mắt hiền ngơ ngác của loài mang tôi không khỏi buồn bã, thất vọng cho loài người.
Khi tôi ngồi gõ những dòng cuối cùng cho bài viết mà tôi vừa nghĩ - buồn nhất trong những bài viết cho báo Bình Định - chuông điện thoại của người bạn cùng xóm gọi hẹn gầy một độ nhậu thịt cò. Tôi từ chối như khá nhiều lần đã từ chối mà lòng không khỏi nhói lên từ khi biết ở quê mình nay lại sinh ra thói quen lấy cò làm thực phẩm.
Tôi sống ở ven đầm Trà Ổ nhưng thói quen xê dịch khiến tôi thường xuyên ruổi rong khắp Hoài Nhơn, An Lão, Phù Cát, Tây Sơn… Không chỉ săn bắt đánh bẫy đâu, chuyện có nhiều người tối tối lại mang bình điện đi chích cá ở khúc sông vắng, ở ao hồ, đầm… sau nhiều năm riết rồi thành hình ảnh bình thường. Những chỉ dấu thô bạo với tự nhiên càng ngày càng nhiều thêm rất đáng lo ngại.
Lòng tôi cứ đau đáu một câu hỏi, vì sao nhiều năm trước khi ta còn nghèo, còn thiếu thốn trăm bề thì chim trời cá nước, thú rừng rất nhiều, môi trường rất trong lành. Còn bây giờ khi đủ đầy hơn, khi không còn cảnh gạo dầu, thịt cá thiếu trước hụt sau, khi nguồn thực phẩm do nuôi trồng mà có càng ngày càng thêm đa dạng phong phú thì thế giới tự nhiên lại bị tàn phá đến mức không thể hình dung nổi…
Tiếng con mang tác gọi bạn không dưng lại rền vang, cồn lên từ mặt hồ Phú Hà lan xuống đồng bằng ven đầm Trà Ổ, bạn có thấy dội dội lên lồng ngực mình như tôi không?