Chủ động phòng bệnh trong mùa mưa lạnh
Mưa lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển gây ra nhiều loại bệnh, dịch. Ngoài ra khi trời chuyển lạnh đột ngột còn làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do vậy để giữ gìn sức khỏe, mọi người không nên chủ quan, cần chủ động phòng bệnh trong mùa mưa lạnh.
Ưu tiên bảo vệ người cao tuổi, trẻ nhỏ
Theo các bác sĩ, các bệnh hay gặp trong mùa mưa lạnh thường liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa và sốt xuất huyết… Ngoài ra, mùa này trẻ nhỏ còn dễ mắc bệnh tay chân miệng, người cao tuổi dễ gặp các bệnh về xương khớp.
Mùa lạnh, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ảnh: Đ. THẢO
Đối với người cao tuổi, bác sĩ CKII Nguyễn Bá Hảo, Trưởng khoa Lão khoa, BVĐK tỉnh, chia sẻ: Vào mùa mưa lạnh, ta sẽ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp và xương khớp nhưng với người cao tuổi khả năng mắc bệnh cao hơn và mất nhiều thời gian điều trị hơn. Tuy nhiên việc phòng, tránh các bệnh này không quá khó, chỉ cần chú ý tự giữ ấm cơ thể, cẩn thận trong ăn uống... là đã giảm được nhiều nguy cơ rồi. Giữ ấm nhưng vẫn nên làm sao để nhà cửa thông thoáng, hạn chế ẩm thấp vì đây là môi trường để nhiều loại vi khuẩn gây hại sinh sôi. Độ ẩm cao còn tác động xấu đến xương khớp những người cao tuổi. Đặc biệt với người cao tuổi và trẻ nhỏ nên chú ý chế độ ăn uống đủ chất, năng vận động.
Trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công vì sức đề kháng yếu. Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, mùa này, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, hen phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm mũi họng cấp… Ngoài ra, trẻ còn dễ bị tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết. Bác sĩ Phạm Văn Dũng chia sẻ: Để phòng các bệnh đường hô hấp ở trẻ em, ngay từ đầu sản phụ phải được chăm sóc tốt để hạn chế sinh non, sinh thiếu cân và chăm sóc trẻ tránh suy dinh dưỡng; cần giữ trẻ trong môi trường trong lành, tránh ẩm thấp, khói bụi. Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, ngoài chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm thì vệ sinh cá nhân và môi trường cũng phải đảm bảo tốt.
Một điều rất nên lưu ý là các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết thường có một số dấu hiệu lâm sàng giống với bệnh Covid-19. Bác sĩ CKII Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn, lưu ý: Vi rút SARS-CoV-2 cũng là vi rút cúm, do vậy cũng có một số triệu chứng như đau, rát họng, mất khứu giác, vị giác. Nếu người bệnh có các dấu hiệu trên lại gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người thì nên đi kiểm tra.
Không chủ quan với đột quỵ
Ở tỉnh ta, mùa lạnh nhiều năm gần đây thường ghi nhận một số trường hợp đột quỵ gây hậu quả nghiêm trọng. Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, theo các bác sĩ, khi trời trở lạnh đột ngột các mạch máu co lại dẫn đến tăng huyết áp và dễ gây xuất huyết não. Không chỉ người già mà cả những người trẻ tuổi - nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường - cũng dễ bị đột quỵ khi trời trở lạnh. Để phòng bệnh đột quỵ, mọi người phải chú ý giữ ấm cơ thể, không nên chuyển đột ngột từ môi trường ấm áp sang môi trường rét lạnh, nhất là vào ban đêm; mùa này nên hạn chế tập thể dục buổi sáng ngoài trời, nếu cần thiết nên khởi động làm ấm cơ thể trước khi ra ngoài.
Các bác sĩ tại Bình Định đã làm chủ nhiều tiến bộ y khoa trong điều trị nhồi máu não cấp, giúp giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên để tận dụng tối đa điều này, khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ, phải sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, càng sớm càng tốt để hạn chế các di chứng xấu. Bác sĩ CKII Bành Quang Khải, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho biết: Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách. Đầu tiên là không để người bệnh té ngã gây chấn thương. Sau đó bệnh nhân phải được đặt nằm ở chỗ thoáng, móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Bác sĩ CKII Hà Thị Phi Điệp, Trưởng Đơn nguyên Thần kinh - đột quỵ, Bệnh viện Bình Định, cho biết: Hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị nhồi máu não cấp nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế di chứng như: Kỹ thuật tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối… Tuy nhiên để thực hiện thành công kỹ thuật này, bệnh nhân cần đến sớm trước 6 giờ kể từ khi khởi phát và càng sớm càng tốt.
ĐỖ THẢO