BVÐK tỉnh hợp tác với Bệnh viện ÐH Y Hà Nội:
Người dân có thêm cơ hội được bác sĩ giỏi thăm khám
Ngoài ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với BVÐK tỉnh, vừa qua, Bệnh viện ÐH Y Hà Nội và một số cơ sở y tế của tỉnh đã thảo luận về vấn đề kết nối khám, chữa bệnh từ xa. Ðây là cơ hội để các cơ sở y tế của tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo điều trị cho nhân dân trong tình hình dịch Covid-19.
Khám chữa bệnh từ xa
Đề án khám chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế ban hành vào năm 2020 và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã triển khai vào thực tế với 3 hình thức: Hội chẩn những ca bệnh khó; khám chữa bệnh ban đầu từ xa; kết nối cấp cứu ICU (chăm sóc đặc biệt) 24/24 giờ.
Sau khi triển khai các nội dung ký kết, cơ sở y tế tại Bình Định có thể cùng hội chẩn với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội về những ca bệnh khó. Ảnh: T. KHUY
Với hình thức khám chữa bệnh ban đầu từ xa, PGS.TS, bác sĩ Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho biết: Khi bệnh nhân có yêu cầu khám với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, 2 cơ sở y tế sẽ kết nối và bệnh nhân đến khám giống như đến khám tại cơ sở y tế của địa phương. Các bác sĩ ở Hà Nội có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng, rồi các thăm khám gián tiếp qua các bác sĩ tại Bình Định. Từ đó các bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng để các bác sĩ cận lâm sàng Bình Định thực hiện sau đó chuyển kết quả cho đầu cầu Hà Nội. Các giáo sư, bác sĩ ở Hà Nội sẽ kê đơn thuốc điện tử, chuyển vào để các cơ sở y tế tại Bình Định thực hiện, trách nhiệm chuyên môn là của bác sĩ cơ sở Hà Nội. Riêng hình thức kết nối cấp cứu ICU 24/24 giờ, tức là ở đầu cầu Hà Nội cũng có bác sĩ trực cấp cứu 24/24 giờ để có thể tham gia hội chẩn với các bác sĩ Bình Định.
“Bên cạnh 3 hình thức trên, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội dự kiến tiếp tục triển khai thêm một hình thức khác là bác sĩ có thể trực tiếp khám cho người bệnh ngay tại nhà của họ qua hình thức kết nối từ xa. Tuy nhiên người bệnh sẽ phải trang bị một số thiết bị để cung cấp cho các bác sĩ các thông số kỹ thuật như: Huyết áp, đường huyết, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi)...”, PGS.TS, bác sĩ Phạm Thị Bích Đào cho biết thêm.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Thời gian qua vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều người bệnh ở Bình Định đi tái khám ở các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bị mắc kẹt, số khác không thể đi tái khám. Trong bối cảnh đó, việc kết nối để tư vấn, khám bệnh từ xa với các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội có ý nghĩa rất lớn.
Những thuận lợi ban đầu
Lấy ví dụ về sự thành công của hoạt động khám chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Telehealth, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, chia sẻ: Tại Hà Giang, chúng tôi cũng đã kết nối khám chữa bệnh từ xa. Sáng thứ Ba hằng tuần, giám đốc Sở Y tế, giám đốc BVĐK tỉnh giao ban với các bệnh viện tuyến huyện, chọn những ca cần hỗ trợ, chiều cùng ngày đưa lên để chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cùng chúng tôi hội chẩn. Nhờ đó hiện tại ở các cơ sở y tế của những vùng rất xa của Hà Giang đã thực hiện được những kỹ thuật khó mà trước đó họ gần như không có điều kiện để làm chủ. Lượng bệnh nhân chuyển tuyến vì thế cũng giảm rõ rệt. Thực hiện hoạt động này có 2 cái lợi, thứ nhất là uy tín của tất cả các tuyến đều tăng lên, thứ 2 là các bác sĩ được rèn luyện, thấy những cái mình còn thiếu hụt để phấn đấu vươn lên. Chúng tôi rất mong với sự hỗ trợ của mình, Bình Định cũng làm được như thế, thậm chí sẽ tốt hơn thế.
Để triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, Bình Định có một số thuận lợi nhất định nhờ sự chuẩn bị trước. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết: Định hướng để xây dựng bệnh viện khu vực ở Bình Định đã được Bộ Y tế xác định và đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn của Bộ. Về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, may mắn là chúng ta triển khai sớm và đã định hướng thống nhất ngay từ đầu, tức ngành Y tế của tỉnh chỉ sử dụng 1 phần mềm thôi và sự kết nối rất tốt. Tuyến xã và tuyến huyện hoàn toàn có thể liên thông với nhau để khám chữa bệnh. Tuyến huyện và tuyến tỉnh cũng hoàn toàn có thể kết nối về mặt hồ sơ bệnh án. Nền tảng thống nhất ấy không chỉ kết nối giữa các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn mà còn kết nối được với các TTYT huyện và còn có cả chức năng Telehealth. Gần như cả hệ thống y tế của tỉnh ta đều kết nối thông suốt với nhau trên một nền tảng.
Sẵn sàng cho việc kết nối, TS, bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, Giám đốc BVĐK tỉnh, chia sẻ: Những gì chúng tôi đã làm được rồi thì cần làm chuẩn hơn. Cái chuẩn này rất có lợi cho bệnh nhân và sẽ là mô phạm cho các bác sĩ, những thế hệ trẻ tiếp sau. Qua những gì đã làm việc với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, sắp tới chúng tôi có thể triển khai rất nhiều hoạt động mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
THẢO KHUY