Nhà văn, bác sĩ Trần Như Luận:
“Đạo là tên gọi thứ hai của lòng thương yêu”
Sau “Như là để tỏ tình” (thơ, 1993) và “Dấu ấn tuổi mười bảy” (truyện dài, 2 tập, 2007), nhà văn - bác sĩ Trần Như Luận vừa ra mắt tiểu thuyết “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” dài hơn 1.100 trang được nhiều người quan tâm. Phóng viên Báo Bình Định đã có buổi trò chuyện với tác giả về tác phẩm mới này.
“Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” tái hiện bối cảnh xã hội thời kỳ Ấn Độ cổ khi xã hội mang nặng sự phân hóa giai tầng và con người bị bao vây, đè nén bởi thế lực tâm linh. Giữa màn đêm đó, thầy Gotama cùng các đệ tử xuất sắc dấy lên một cuộc cách mạng về tư tưởng, đề cao vai trò của đạo đức nhằm cải biến xã hội.
* Sau thơ và truyện ngắn, vì sao lần này ông chọn tiểu thuyết - một thể loại văn học “nặng ký” không dễ chinh phục?
- Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của thầy Gotama, tức đạo sư Sakkamuni, cùng bao nhiêu diễn biến, không gian, bối cảnh, mọi chi tiết này, ngay trong lịch sử, tự bản thân chúng đều lớn lao quá, làm sao các thể tài khác có thể dung chứa nổi? Cho nên, có thể nói, một cách khách quan, tự bản thân chất liệu có được về đề tài quyết định thể tài, chứ không phải chính tác giả.
* Chọn đề tài Phật Giáo, trong khi không phải là người theo đạo Phật; chứa đựng trong “Thầy Gotama và 8.000 đệ tử” là đậm đặc dấu ấn lịch sử và văn hóa Ấn Độ thời điểm bấy giờ, hoàn toàn xa lạ với thời hiện đại; ông mất bao lâu để tìm hiểu, cảm thấu về tôn giáo, đất nước này và hoàn thành tác phẩm?
Về nghệ thuật, Trần Như Luận đã nhuần nhuyễn trong thi pháp tiểu thuyết. Các nhân vật của lịch sử nhà Phật hay thuần sáng tạo của tác giả đều có dấu ấn văn chương. Những nhân vật của Trần Như Luận “đời” hơn, gần gũi với thế tục hơn. Tác giả đã đưa đạo vào đời, đã văn chương hóa những triết thuyết tôn giáo (nhận xét của nhà văn Lê Hoài Lương)
- Nhân vật chính trong truyện là thầy Gotama, một người gần với con người thật trong lịch sử hơn là một vị giáo chủ đã được huyền thoại hóa. Nội dung tiểu thuyết đi sâu vào các diễn biến trong cuộc đời của thầy Gotama và các đệ tử vào một thời đại cách đây hằng ngàn năm, do đó được xem là tiểu thuyết lịch sử. Bên cạnh đó, tác phẩm cố gắng trình bày một cách chi tiết các trào lưu tư tưởng thời bấy giờ nhằm giải đáp những câu hỏi hóc búa mang tính triết lý, chính vì vậy, nó còn được xem là một tiểu thuyết luận đề. Cái được nhắc đến một cách xuyên suốt trong tác phẩm chính là một nền minh triết, chứ không phải là một tôn giáo.
Mặc dù đã dành ra gần như cả đời người để tìm hiểu và chiêm nghiệm về những lời giáo huấn của thầy Gotama, tôi chưa bao giờ cho rằng mình đã cảm thấu hay thông tỏ trọn vẹn giáo lý của vị đạo sư vô tiền khoáng hậu đó. Thuở còn học trung học, nhất là vào dịp hè, với bản tính trầm lặng, tôi thường đến một số tu viện Phật giáo nguyên thủy, làm quen với kinh sách Phật giáo nên đã có đôi chút vốn liếng. Do vậy, đến khi bắt tay vào viết, tôi gần như không gặp trở ngại gì lớn trong quá trình tìm hiểu triết lý nhà Phật. Tôi khởi sự viết tiểu thuyết này vào đầu năm 2009, đến cuối năm 2013 thì hoàn tất.
* Trên con đường làm bạn với văn chương, đây là tác phẩm thứ 3 (in riêng) của ông và cũng là tác phẩm ông đặt vào đó rất nhiều ưu tư, tâm huyết. Ông gửi gắm gì qua “đứa con tinh thần” này?
- Thông điệp của tôi nằm trong lời nhân vật Yasa, một trong những môn đồ thông tuệ của thầy Gotama: “Đạo là tên gọi thứ hai của lòng thương yêu. Nói đến đạo là nói đến lòng thương yêu, tình nhân ái. Tình thương yêu vừa là đường đi, vừa là đích đến. Ai đã có sẵn trong tâm hồn trong sáng của mình một tình thương yêu nhân loại sâu sắc, vô vụ lợi, chẳng mong cầu, cũng chẳng cần chi tên gọi, thì hẳn nhiên đã có một vốn liếng rất lớn. Họ không cần tìm đạo ở đâu cho xa nữa. Cho nên, khái niệm ngoại đạo hoàn toàn xa lạ với những tâm hồn thấm nhuần đạo hạnh”.
Qua đó, tôi muốn nói rằng, cần có sự thông hiểu lẫn nhau giữa các trào lưu tôn giáo và tư tưởng trên toàn thế giới. Tôi muốn góp tiếng nói nhỏ bé của mình kêu gọi sự đoàn kết và thông hiểu lẫn nhau giữa những người có đạo và không có đạo, giữa những người theo đạo này và đạo khác. Nếu xóa bỏ được mọi thành kiến để cảm thông nhau một cách chân tình thì mối quan hệ trong đời sống cộng đồng sẽ trở nên rất tốt đẹp. Bởi vì, mục đích cuối cùng của tất cả các đạo giáo và các nền triết lý trên thế gian này là kiến tạo một cuộc sống ăm ắp tình yêu thương, xây dựng hạnh phúc trên tình nhân ái.
* Cám ơn ông. Chúc ông sức khỏe và tiếp tục giới thiệu tác phẩm mới!
SAO LY (Thực hiện)