“Hương của đất” đã về với đất
Tôi biết Trịnh Hoài Linh đã lâu, từ những ngày đầu giải phóng. Hồi đó, bọn tôi thực hiện nghĩa vụ lao động, đi xây dựng đất nước. Quân của An Nhơn được Xí nghiệp gạch ngói Phước An (Tuy Phước) nhận, nay là Công ty cổ phần Gạch Tuy-nen Bình Định.
Những năm tháng chung sống với lò gạch, với đất sét; ngày ngày dang mình dưới nắng để đẩy gạch ướt đi phơi, đẩy gạch khô vào lò nung, mồ hôi không bao giờ khô trên lưng áo nhưng mọi cơ cực hầu như không ngăn được tâm hồn của Trịnh Hoài Linh bay bổng. Linh lặng lẽ lao động, lặng lẽ làm thơ. Ngày tôi nghe Linh có bài thơ đăng trên một tạp chí văn nghệ địa phương, tôi khâm phục lắm. Sau một ngày lao động tôi tìm Linh để làm cốc rượu chúc mừng. Linh cười rất hiền: “Mình chỉ viết những điều quanh cuộc sống, về quê nhà, về ruộng lúa, những điều khá vụn vặt. Mình làm thơ với ước mong đạt đến thơ”.
Hoàn thành nghĩa vụ lao động, Linh về quê ở thôn Hòa Tây, xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) gắn đời vào mấy đám ruộng để kiếm gạo nuôi con, nuôi thêm mấy con bò để kiếm tiền cho con ăn học. Thơ của Linh không xa xôi, không vời vợi, những điều Linh nói rất gần gũi. Đọc thơ của Linh, độc giả sẽ thấy đầy những trăn trở của một vùng đất, của những người nông dân cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thơ của Linh cũng chứa đầy khao khát, ước vọng vươn lên của một vùng quê. Để có được điều này không phải do ngẫu nhiên, mà là vì Linh vừa cầm cuốc vừa làm thơ. Có lẽ do vậy nên trong một Đại hội Nhà văn trẻ, Trịnh Hoài Linh là người duy nhất được biết đến là một nhà thơ nông dân.
Năm 2010, Linh rút ruột ra mắt độc giả tập thơ “Hương của đất”. Linh bảo, là có chút gì để lại cho đời. Tôi đọc cái “chút gì” của Linh mà cứ thoáng rùng mình “Mảnh ruộng như lòng bàn tay/lật qua trở lại/không dám sinh con đẻ cái/nghiệt ngã cây lúa vẫn là cây lúa/chúng tôi không thể đỏ thịt trắng da” (Ký sự làng). Hoặc, “Đất mỗi ngày teo lại/nước tiểu chẳng dám để rơi/tích lũy ra đồng/cây lúa vẫn liu chiu vàng lụn” (Ký sự làng). Không hình ảnh nào giữa thường ngày “lọt” qua sự nhạy cảm của tâm hồn Linh, rồi đi qua sự chiêm nghiệm để thành thơ. Nhìn hình ảnh những bà cụ nông dân mót lúa, Linh nghĩ ngay đến sự lớn khôn của mình cũng được vun đắp từ những giọt mồ hôi cực nhọc của mẹ, để sau đó có những câu thơ chắt lòng “Người đàn bà nhặt thóc trên đồng/như nhặt thân phận bùn đất/những vần thơ thơm tho/các nhà thơ ngửa mặt lên trời/còn mẹ cúi gằm xuống đất/thôi thảng thốt gọi/thơ ơi!” (Người đàn bà nhặt thóc). Để rồi Linh thấy mình như một con nợ lớn với mẹ, và lo sợ: “Tôi nợ mẹ tôi/cuống nhau chôn ở góc vườn/lá trầu chín/lắt lay trong gió/chiếc bóng tảo tần cuối bãi đầu sông/tôi như người trộm quả/Ngày mới lại bừng lên/mái đầu mẹ trắng tuyết/tôi hoảng hốt sợ ngày lá rụng” (Ngày mới).
Thế nhưng Linh đã không được thấy điều mình sợ, Linh chưa kịp khóc lá rụng thì “đầu bạc đã khóc đầu xanh”. Sáng ngày 21.5 Linh đã vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn, tác giả “Hương của đất” đã về với đất. Linh sống, gắn đời với đồng ruộng thì khi chết, Linh cũng không chịu xa ruộng đồng. Linh chết khi đang bơm nước cứu hạn cho đám ruộng của mình. Mô tơ điện bị sự cố, điện giật, hất Linh xuống dòng sông Cây Da sau nhà; dòng sông Linh đã tắm mát suốt thời tuổi thơ, bây giờ cũng dòng sông này đưa Linh về cõi vĩnh hằng.
VŨ ĐÌNH THUNG