Hành trình của yêu thương và thấu hiểu
Chăm sóc, nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật còn khó gấp bội. Ðó là hành trình dài của Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn…
Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn là mô hình đặc thù trong chương trình giáo dục trẻ khuyết tật. Mỗi năm trường tuyển sinh khoảng 30 học sinh ở 2 dạng tật khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ.
Hơn tất cả là phải yêu trẻ!
Các em học văn hóa chương trình giáo dục tiểu học theo chương trình giáo dục trẻ khuyết tật được Bộ GD&ĐT ban hành. Nhưng không chỉ có vậy, ở ngôi trường đặc biệt này, thầy cô giáo còn dạy cho trẻ kỹ năng cơ bản để giao tiếp, học tập, vượt qua khiếm khuyết cơ thể. Những lớp học cũng không theo khuôn mẫu thông thường, ngoài giáo án, mỗi học sinh còn được lập riêng một sổ kế hoạch giáo dục cá nhân.
Cô giáo Phương Ái Vân (Tổ trưởng Tổ Khó khăn về học) và cha mẹ học sinh phối hợp để chăm sóc và dạy học cho học sinh tự kỷ. Ảnh: MAI HOÀNG
Học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Quy Nhơn), cô giáo Nguyễn Thị Dang gắn bó với học sinh Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn từ năm 2013. Năm học này, cô Dang đảm nhận chủ nhiệm lớp 3, khối học sinh khó khăn về học, với 8 học sinh. Các em bị chậm phát triển nên hạn chế trong tiếp thu kiến thức, càng khó khăn hơn khi một số em còn mắc thêm chứng tăng động, giảm chú ý... Dựa trên mục tiêu chung, tùy khả năng của từng học sinh, cô Dang đề ra thêm mục tiêu riêng cho từng em.
Gần 10 năm gắn bó, cô Dang chủ nhiệm từ các lớp trẻ mới vào trường cho đến lớp lớn, khó nhất là trẻ lớp 1 vì các em chưa ổn định nền nếp, thậm chí chưa thể tự vệ sinh cá nhân. “Đối với trẻ khuyết tật, giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc, phải hiểu tâm sinh lý, tính cách của các em để thiết kế các hoạt động dạy học cho phù hợp. Bởi vậy, quan trọng nhất của giáo viên ngoài nắm vững kiến thức còn phải có cái tâm, nếu không sẽ không thể gắn bó được với các bé. Và hơn tất cả là phải yêu trẻ, tự nhận lãnh trách nhiệm chứ không chỉ vì nhiệm vụ, vì được phân công!”, cô Dang chia sẻ.
Thầy Trần Gia Tín, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Đối với dạng tật khiếm thính từ lớp 1 đến lớp 5, các em được học trong 6 năm (lớp 1 học 2 năm); với dạng tật trí tuệ từ lớp 1 đến lớp 5 học trong 7 năm (lớp 1 học 3 năm). Hết lớp 5, học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và ra trường.
Trường hiện có 23/24 giáo viên cơ hữu có trình độ chuyên môn ĐH sư phạm giáo dục tiểu học, trong đó hơn một nửa là chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Với điều kiện về nguồn nhân lực hiện tại, nhà trường chủ yếu dạy văn hóa và chăm sóc, trang bị kiến thức cho các em biết tính toán cơ bản, cùng những kỹ năng để tự phục vụ bản thân và gia đình. Đối với học sinh khiếm thính, các em có thể làm một số công việc phù hợp sau khi ra trường như may khẩu trang, áo quần, làm thú nhồi bông, pha chế cà phê, làm giày, làm tóc…
Đến nay, nhiều trẻ đã “ra trường” và tìm được công việc đặc thù với khuyết tật. Điển hình có em Nguyễn Thị Hồng Thắm là học sinh khóa đầu tiên được nhà trường giữ lại để làm nhân viên bảo mẫu. Vì là học sinh khiếm thính nên Thắm rất hiểu tâm lý của các em học sinh khiếm thính đang học và đã làm rất tốt vai trò người cô, người chị, người bạn đối với các em học sinh ở nội trú.
Thêm điều kiện nuôi dạy trẻ
Năm học 2021 - 2022, trường có 164 học sinh, tổ chức thành 17 lớp phân theo các dạng tật và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh. Riêng học sinh tự kỷ cần giáo dục cá nhân (1 cô, 1 trò) được bố trí học tại Phòng Giáo dục cá nhân do nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật đảm nhận.
Hơn 10 năm qua, trường đã được cải tạo nâng cấp dần về cơ sở vật chất để đáp ứng tối thiểu nhiệm vụ dạy học, chăm sóc và trước hết là đảm bảo an toàn cho học sinh khuyết tật. Gần đây nhất, năm 2017, UBND tỉnh đã đầu tư 1 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tầng 2 khu nội trú cho trường, giải quyết nhu cầu nội trú cho 50 học sinh khiếm thính ở xa.
Niềm vui càng lớn khi năm 2021, khu nhà 5 tầng khang trang cũng được tỉnh đầu tư 13,5 tỷ đồng để xây mới, đáp ứng tốt hơn điều kiện dạy và học cho học sinh, đặc biệt là dạy học theo chương trình phổ thông 2018 (100% lớp học 2 buổi/ngày). Các phòng học năng khiếu được trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, máy vi tính, đàn organ, giá vẽ… Thư viện được thiết kế tạo cảm giác thân thiện, an toàn để học sinh đọc truyện tranh, chơi xếp hình, chơi đồ hàng…
Thầy hiệu trưởng Trần Gia Tín thông tin thêm: “Việc tổ chức dạy học và nuôi dưỡng đối với học sinh 2 dạng tật khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ đã ổn định, đi vào nền nếp. Trường tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, hiện đang khảo sát để năm học 2022 - 2023 tới tuyển thêm học sinh khiếm thị, tạo điều kiện cho các em được đến trường học tập tốt hơn. Bước đầu nhà trường chuẩn bị nhân lực giáo viên có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản về giáo dục đặc biệt; đặt hàng các loại sách chữ nổi (Braille) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức 1 lớp Một. Lộ trình, mỗi năm chúng tôi tuyển sinh từ 1 - 2 lớp trẻ khiếm thị”.
MAI HOÀNG