Lũ rút chậm, tranh thủ nắng ráo người dân tất tả dọn nhà cửa
Sáng 1.12, nước lũ xuống chậm, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân một số vùng ngập lụt trên địa bàn tỉnh tất tả dọn lại nhà cửa, đồ đạc, vệ sinh môi trường...
Ghi nhận của phóng viên: Mực nước lũ tại một số khu dân cư thuộc tổ 37 (khu vực 5, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn); xã Phước Thuận, Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) nước lũ đang rút chậm. Nhiều tuyến đường vẫn ngập tràn trong nước khiến nhiều khu dân cư vẫn bị ngập úng và cô lập. Với các khu dân cư nước có thể tiêu thoát được, ngay khi lũ vừa rút ra khỏi nhà, người dân cũng tranh thủ dọn dẹp đồ đạc, nhà cửa. Bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa (45 tuổi, tổ 37, khu vực 5, phường Nhơn Bình) chia sẻ: “10 giờ đêm 30.11, nước lũ mới rút ra khỏi nhà tôi. Đợt lũ này rất lớn, mực nước ngập ngang với đợt lũ lịch sử năm 2009. Cả nhà canh nước từ tối qua, nước vừa rút ra khỏi nhà thì tổ chức dọn liền. Nhưng làm tối qua đến giờ mà vẫn không xuể”.
Sáng 1.12, nước vẫn chưa rút hết ra khỏi nhà bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa. ẢNH: HỒNG PHÚC
Tại thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận), nước vẫn ngập lênh láng ở nhiều khu dân cư. Người dân vừa phải dọn nhà, vừa dồn cát vào bao làm tường bao để ngăn không cho nước tiếp tục vào nhà. Bà Dương Thị Hữu (71 tuổi) bộc bạch: “Hai ngày nay cả nhà phải thay phiên nhau để canh nước. Nước lên đến đâu thì kê đồ lên cao đến đó. May sáng nay nước lũ rút nên cả nhà dọn lại đồ đạc, quét bùn đất bám trong nhà”. Sát nhà bà Hữu, hai vợ chồng ông Trần Quốc Khanh (46 tuổi) cũng đang vất vả để dọn nước và bùn non ra khỏi nhà. “Nhà thì một hai ngày nữa có thể dọn xong, nhưng tôi chỉ sợ đường trước nhà còn ngập, xe chạy tạo sóng dập nước vô nhà lại phải tiếp tục dọn”.
Theo người dân địa phương, khu dân cư ở xóm Khánh Vân (thôn Quảng Vân) lâu nay rất ít bị ngập. Nhưng từ khi khu quy hoạch dân cư Quảng Vân hoàn thành đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 năm đã làm cho khu vực này trở thành vùng trũng, nước tiêu thoát không kịp. Ông Phạm Thanh Phong (46 tuổi) bày tỏ: “Mấy chục năm tôi ở đây có khi nào phải chịu cảnh này. Nước vô nhà ngập gần nửa mét. Hết mưa rồi nhưng nước vẫn không rút ra được khỏi nhà. Nhà tôi cũng như các hộ xung quanh rất mệt mỏi với cảnh này”.
Tuy đã hết mưa, nhưng nhiều nhà dân ở xã Phước Thuận và Phước Nghĩa vẫn bị nước lũ bao vây, cô lập. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã tổ chức đưa mì tôm, nước uống bằng ca nô đến để hỗ trợ từng gia đình bị cô lập.
Tại thị trấn Tuy Phước, nước vẫn tiếp tục làm nhiều tuyến đường ở thôn Trung Tín 2 bị ngập sâu. Tranh thủ ra quán kiểm kê lại tài sản, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (62 tuổi, thôn Trung Tín 2) buồn rầu nói: “Nước lớn quá, làm trôi nhiều đồ đạc trong quán. Đồ còn sót lại ngay cả tủ lạnh cũng bị ngâm trong nước hai ngày. Chắc phải tốn nhiều tiền để sửa lại lắm đây”.
Nước lụt vừa rút xuống lòng đường, để lại nhiều bùn non trên vỉa hè. Các hộ dân ở đây cũng nhanh chóng triển khai ngay việc dọn dẹp. “Tranh thủ nắng ráo, người tạt nước, người đẩy, người quét cho sạch, chứ bùn này mà không dọn liền sẽ đóng ván cứng lại, khó dọn lắm”, bà Trần Thị Ái (56 tuổi, thôn Trung Tín 2), nói.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng đang bị cô lập bởi lũ. Tuy nước lũ đã bắt đầu rút, nhưng các địa phương phải tiếp tục bám cơ sở, rà soát các khu dân cư, nơi nào còn nguy hiểm thì tiếp tục di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ người dân và nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ trên địa bàn. Riêng ngành y tế, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ.
Một số hình ảnh về nước lũ rút chậm và người dân tranh thủ nắng ráo tất tả dọn nhà cửa được phóng viên ghi nhận:
Nhà bà Dương Thị Hữu phải làm tường bao, ngăn nước tiếp tục vô nhà. ẢNH: HỒNG PHÚC
Hai vợ chồng ông Trần Quốc Khanh đang vất vả để dọn nước và bùn non ra khỏi nhà. ẢNH: HỒNG PHÚC
Nước rút, người dân thôn Quảng Vân di chuyển đồ đạc về nhà. ẢNH: HỒNG PHÚC
Người dân xóm Khánh Vân lập tường bao, ngăn không cho nước tiếp tục tràn vào nhà. ẢNH: HỒNG PHÚC.
Ông Phạm Thanh Phong tất tả dùng nước rửa bùn non bám trong nhà. ẢNH: HỒNG PHÚC
Anh Nguyễn Thanh Lâm (41 tuổi) kiểm tra lại các máy may sau khi bị nước “nhấn chìm” trong hai ngày qua. ẢNH: HỒNG PHÚC.
Nhà dân ở xóm Khánh Vân vẫn bị ngập trong nước. ẢNH: HỒNG PHÚC
Nhiều tuyến đường ở xã Phước Thuận vẫn bị ngập sâu trong nước. Chính quyền lập rào chắn không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn. ẢNH: HỒNG PHÚC
Điện chưa có trở lại khiến việc dọn dẹp của người dân gặp nhiều khó khăn. ẢNH: HỒNG PHÚC
Một tuyến đường liên thôn ở xã Phước Thuận bị sạt lở sau lụt. ẢNH: HỒNG PHÚC
Chính quyền xã Phước Thuận vận chuyển mì tôm, nước uống tiếp tế cho các hộ dân bị cô lập. ẢNH: HỒNG PHÚC.
Nước lũ ở xã Phước Nghĩa vẫn còn ở mức cao, chảy siết. ẢNH: HỒNG PHÚC
Thực phẩm được tiếp tế đến tận tay người dân. ẢNH: HỒNG PHÚC
Nhiều tuyến đường ở thị trấn Tuy Phước còn bị ngập. ẢNH: HỒNG PHÚC.
Người dân thôn Trung Tín 2 tranh thủ dọn bùn non trên vỉa hè. ẢNH: HỒNG PHÚC
Các hộ dân ở thôn Trung Tín 2 nhanh chóng triển khai việc dọn dẹp. ẢNH: HỒNG PHÚC
Việc dọn dẹp được thực hiện kỹ lưỡng, vì nhiều đồ đạc bị ngâm trong nước lụt hai ngày. ẢNH: HỒNG PHÚC
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy kiểm tra lại đồ đạc sau trận lụt vừa qua. ẢNH: HỒNG PHÚC
Dọn dẹp xong nhà, người dân thôn Trung Tín 2 tiếp tục dọn sạch sẽ đường sá. ẢNH: HỒNG PHÚC
HỒNG PHÚC