Ðộc đáo hia tuồng Bình Ðịnh
Phòng trưng bày nghệ thuật tuồng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh hiện đang trưng bày nhiều mẫu hia tuồng mang nét đặc trưng của tuồng Bình Định. Những đôi hia với đủ kích cỡ, màu sắc được đặt trang trọng trong tủ kính để trưng bày khiến không ít du khách ấn tượng khi đến tham quan (ảnh).
Những đôi hia tuồng mang phong cách Bình Định nói trên do chính NSND Minh Ngọc đang công tác tại Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) chế tác. Phần chính của hia được làm từ gốc và củ tre già có độ cong tự nhiên, độ bền cao, được gia công chỉn chu sao cho mũi hia vút lên như mũi thuyền, phần đế tiếp xúc mặt đất rất nhỏ, tạo nét nhẹ nhàng, thanh thoát cho hia. Phần phụ của hia được may bằng vải nhung để trơn hoặc có trang trí các đường diềm, hoa văn phù hợp nhằm góp phần làm nổi bật tính cách của nhân vật vai diễn.
Hia tuồng Bình Định bộc lộ một góc công phu của phong cách tuồng Bình Định vì lẽ với mũi cong vút, đế hia mỏng hẹp, người nghệ sĩ buộc phải trải qua cả một quá trình tập luyện gian khổ mới có thể vững vàng trên hia, sau đó mới tiến đến trình độ thuần thục trong kỹ thuật biểu diễn, làm chủ các điệu, bộ của tuồng.
Biên đạo múa Hoàng Việt, một người am hiểu tuồng, chia sẻ: Nét độc đáo của hia tuồng Bình Định đòi hỏi diễn viên mất cả chục năm học hỏi, có khi học cả đời mới có thể lột tả được cái thần thái của tuồng Bình Định, phô diễn vũ đạo bằng những động tác lướt, bê, xiến, lỉa, lóc… khi lột tả tâm lý nhân vật. Phải với hia tuồng Bình Định thì người nghệ sĩ mới có thể như “một con thuyền đang lướt trên sóng”, đây là điều mà các nghệ sĩ thuộc nhiều trường phái, lối diễn tuồng khác với Bình Định đã nhận xét!
BẢO MINH