“Nối mạng” với ngư dân Bình Định ở Hoàng Sa, Trường Sa
Mặc dù Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm lãnh hải nước ta và xua đuổi tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bà con ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ Trạm bờ Quy Nhơn, PV Báo Bình Định đã “nối mạng” với ngư dân Bình Định đang hoạt động khai thác, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Vững chí nơi đảo xa
Trước sự gây hấn, uy hiếp của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng, vẫn quyết tâm ra khơi bám biển khai thác hải sản, đồng thời góp phần bảo vệ biển đảo quê hương. Tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có rất nhiều ngư dân tỉnh ta đang đánh bắt cá ngừ đại dương. Thông qua Trạm bờ Quy Nhơn do Chi cục Khai thác-Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) tỉnh quản lý, chúng tôi đã liên lạc với một số ngư dân Bình Định đang hành nghề ở khơi xa.
Chỉ tay về những dấu sao màu vàng ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa xuất hiện trên máy tính, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS, nói với chúng tôi: “Mỗi dấu sao là một tàu cá của ngư dân, chỉ cần nhấp chuột vào dấu sao, sẽ biết được chủ nhân và biển hiệu của tàu cá. Hiện có 9 tàu cá của ngư dân tỉnh ta đang hoạt động tại khu vực biển Hoàng Sa, để chúng tôi liên lạc thử”.
Sau nhiều lần hô hiệu: “Trạm bờ Quy Nhơn gọi ngư dân”, có một ngư dân đã “bắt sóng” và mở lời: “Chào Trạm bờ Quy Nhơn. Tôi là Ngô Bút, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) đây. Tàu cá của tôi mang biển hiệu BĐ 96006 TS, trên tàu có 8 lao động, đang chuẩn bị neo tàu để khai thác cá ngừ đại dương”.
“Tàu cá của ông có gần giàn khoan Hải Dương của Trung Quốc hạ đặt trái phép không?”- chúng tôi hỏi. Ông Bút trả lời ngay: “Tàu cá của tôi cách vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép khoảng vài chục hải lý. Ngoài tàu cá của tôi còn có 5 tàu cá khác (cùng đội tàu với ông Bút) cũng đang hành nghề, anh em vẫn bình an vô sự”.
“Ông có sợ khi thấy tàu của Trung Quốc. Cách ứng phó của các thuyền viên khi bắt gặp tàu Trung Quốc như thế nào?” Ông Bút cho biết: “Mấy ngày qua, chúng tôi đã biết thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của ta, và đã xua đuổi, đâm va, gây hư hại nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam, nhưng chúng tôi quyết không sợ. Trên biển, anh em thuyền viên rất đoàn kết, nếu bắt gặp tàu Trung Quốc, chúng tôi sẽ bình tĩnh xử lý các tình huống. Các anh yên tâm, có gì chúng tôi sẽ thông tin ngay”.
Nhấp chuột vào các dấu sao khác ở khu vực thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa, chúng tôi nhận biết được các tàu cá của các ngư dân: Võ Văn Bình, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn Hợp, Phan Hoàng, La Văn Bí… đều ở huyện Hoài Nhơn. Thông qua máy bộ đàm tại Trạm bờ Quy Nhơn, các ngư dân cho biết đang bình an vô sự; hoạt động khai thác cá ngừ đại dương diễn ra thuận lợi.
Ở khu vực biển quần đảo Trường Sa cũng có nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh ta đang khai thác hải sản. Chúng tôi cũng đã “nối mạng” liên lạc được với ngư dân Nguyễn Văn Cần, ở xã Tam Quan Bắc, chủ tàu cá BĐ 97229 TS. Ngư dân Nguyễn Văn Cần cho biết: Anh em thuyền viên đều rất mạnh khỏe, công việc diễn ra tốt đẹp”. Đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Cần quả quyết nói: “Trường Sa, Hoàng Sa đều thuộc chủ quyền Việt Nam, là ngư trường truyền thống của ngư dân Bình Định. Chúng tôi thực sự phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động phi pháp của Trung Quốc. Xong chuyến biển này, tôi cùng với các tàu cá khác sẽ chuyển hướng lên khu vực biển Hoàng Sa để khai thác, đánh bắt, đồng thời góp phần bảo vệ lãnh hải Tổ quốc”.
Còn ngư dân Lê Thái Lâm, tài công tàu cá BĐ 96978, cũng đang hoạt động ở ngư trường Trường Sa, cho rằng: “Việc làm ngang ngược của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chúng tôi không có lý do gì mà phải sợ, nhất quyết bám ngư trường, cùng nhau bảo vệ vùng biển của mình”.
Theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS tỉnh: Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc trên vùng biển nước ta, ngư dân tỉnh ta càng thể hiện tình yêu quê hương đất nước, quyết tâm ra khơi khai thác, đánh bắt ở những vùng biển xa, nhất là tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Toàn tỉnh có 2.700 tàu cá từ 90 CV trở lên của ngư dân Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ thường xuyên hoạt động khai thác ở những vùng biển xa của Tổ quốc. Ngư dân đã hình thành các tổ đội đoàn kết hỗ trợ nhau trong khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.
“Trợ lực” cho ngư dân
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, động viên bà con ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, ngư đội liên kết ra khơi bám biển. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo tinh thần Quyết định 48 của Chính phủ. Riêng từ đầu năm 2013 đến 15.5.2014, tỉnh ta đã phê duyệt 7.792 hồ sơ xin hỗ trợ nhiên liệu, máy HF, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên của ngư dân. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã ủng hộ, đóng góp cho Quỹ hỗ trợ ngư dân Bình Định gần 2 tỉ đồng, để kịp thời hỗ trợ các trường hợp tàu cá không may gặp tai nạn trên biển, và giúp các trường hợp ngư dân khó khăn có điều kiện vươn khơi, bám biển.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân tỉnh ta còn vay vốn để đóng mới, nâng công suất tàu cá, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại và mua ngư lưới cụ phục vụ sản xuất. Quan sát tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn), chúng tôi thấy không khí lao động diễn ra rất khẩn trương, hàng chục công nhân tích cực làm việc để kịp hoàn thành và bàn giao tàu cá cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, cho biết: Nhu cầu đóng mới và nâng công suất tàu cá của ngư dân rất lớn. Riêng từ đầu năm đến nay, Xí nghiệp đã nhận đóng 70 chiếc tàu cá, công suất từ 400 CV trở lên, bình quân mỗi tàu trị giá khoảng từ 2-2,5 tỉ đồng. Trong đó, có 35 chiếc đã bàn giao cho ngư dân, đã hạ thủy và mở biển.
Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đang ưu tiên nguồn vốn cho ngư dân vay để đóng mới tàu thuyền, mua trang thiết bị phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản. Tại Ngân hàng NN-PTNT Bình Định, dư nợ cho ngư dân vay ngày càng nhiều. Nếu như năm 2012, tổng dư nợ mà ngư dân đã vay đóng mới tàu thuyền và mua ngư lưới cụ là 86,5 tỉ đồng, thì năm 2013 tăng lên 124 tỉ, 5 tháng đầu năm 2014 dư nợ vay đóng mới tàu cá đã lên đến 125 tỉ đồng. Ông Phan Đình Trung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định, cho biết: Nhu cầu vay vốn của ngư dân ngày càng lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân tiếp cận và vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ