Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020 với hàng loạt sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn anh Phạm Hồng Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, về công tác triển khai Luật Thanh niên vào cuộc sống.
Anh PHẠM HỒNG HIỆP, Phó Bí thư Tỉnh đoàn
*So với Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 có những thay đổi nào đáng chú ý, thưa anh?
- Luật Thanh niên năm 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 16.6.2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021 và đã sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật năm 2005. Việc ban hành Luật năm 2020 có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới; bảo đảm tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
So với Luật năm 2005 thì Luật năm 2020 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý một số nội dung, như: Có một chương riêng quy định về trách nhiệm của thanh niên, qua đó khẳng định trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Luật dành một Điều riêng quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và đóng góp hợp pháp khác của tổ chức, DN, cá nhân trong và nước ngoài). Quy định về Tháng Thanh niên là vào tháng 3 hằng năm; quy định trách nhiệm đối thoại về thanh niên của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp ít nhất mỗi năm một lần (đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, việc đối thoại với thanh niên thực hiện theo yêu cầu của tổ chức thanh niên)…
Trong Luật năm 2020 còn một chương quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trên mọi lĩnh vực; trở thành hành lang pháp lý để Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đồng hành trong bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Lãnh đạo tỉnh và Tỉnh đoàn trồng cây xanh ở Khu thể thao xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) tại lễ phát động Tết trồng cây và hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2021. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Luật Thanh niên năm 2005 chưa quy định cụ thể về cơ quan giúp Chính phủ và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về thanh niên. Luật năm 2020 đã nêu rõ 8 nhiệm vụ cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước về thanh niên cho Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, tổ chức có liên quan; 8 nhiệm vụ cụ thể của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý nhà nước về thanh niên…
* Luật Thanh niên 2020 đã được cụ thể hóa nhằm bồi dưỡng, giáo dục, phát huy tối đa nguồn lực thanh niên. Anh có thể nói rõ thêm về nội dung này?
- Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình hành động nhằm phát huy tối đa nguồn lực thanh niên. Luật thanh niên 2020 đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, xã hội, gia đình và bản thân; đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các tổ chức xã hội, kinh tế... Luật Thanh niên năm 2020 là cơ sở pháp lý và động lực để khơi dậy, phát huy tiềm năng của lực lượng thanh niên; phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
*Để Luật Thanh niên năm 2020 nhanh chóng đi vào đời sống thanh niên nói riêng và toàn xã hội nói chung, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã có kế hoạch triển khai như thế nào?
- Xác định việc triển khai Luật Thanh niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Thanh niên với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, như thông qua bản tin công tác Đoàn, các bộ công cụ Infographic, mạng xã hội Facebook, Zalo, sân khấu hóa, các hội thi trực tuyến, hội nghị, sinh hoạt chuyên đề… Qua đó, góp phần đưa Luật tới các tầng lớp thanh niên, để thanh niên thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật Thanh niên; thấy rõ những chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho thanh niên.
Đặc biệt, để thanh niên nhận thức rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan đến công tác thanh niên, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên tỉnh nhà áp dụng các nội dung của Luật; tăng cường tổ chức các hoạt động, các phong trào để thanh niên thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng bảo vệ Tổ quốc XHCN.
*Xin cảm ơn anh!
CHƯƠNG HIẾU (Thực hiện)