Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN đã có nhiều hoạt động giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức được tác hại của nạn tảo hôn; triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số từng bước nâng cao đời sống, từ đó đẩy lùi vấn nạn này.
Nỗ lực thay đổi nhận thức
Tại huyện Vân Canh, cán bộ Hội LHPN huyện thường xuyên đến những “điểm nóng” của nạn tảo hôn để nắm bắt tình hình thực tế, có cái nhìn đầy đủ để kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục. Chị Phạm Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, cho biết: “Nhờ vậy mà chúng tôi phát hiện nhiều người dân ở các làng vùng sâu, vùng xa vẫn có suy nghĩ rằng, chưa đủ tuổi vẫn có thể chung sống với nhau, miễn là không tổ chức đám cưới. Cán bộ hội đã thường xuyên sâu sát tuyên truyền để người dân hiểu đúng về vấn đề này, không vi phạm”.
Nội dung về tảo hôn được lồng ghép trong buổi truyền thông “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” do Hội LHPN huyện Vân Canh phối hợp cùng Hội LHPN xã Canh Vinh tổ chức. Ảnh: Hội LHPN xã Canh Vinh
Để thực hiện hiệu quả phòng, chống nạn tảo hôn, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh đã phân công cán bộ hội là người dân tộc thiểu số làm công tác tuyên truyền. Nhờ lợi thế thấu hiểu thói quen, nếp nghĩ của đồng bào mình, lại thông thạo ngôn ngữ, tiếng nói, nhiều cán bộ hội cơ sở đã làm rất tốt công tác ngăn chặn nạn tảo hôn. Chị Đinh Thị Xướt, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn, chia sẻ: “Vì là người cùng làng nên tranh thủ những buổi sinh hoạt hội, các dịp lễ lạt hội hè, tôi gặp gỡ các nam nữ thanh niên trong các làng nói chuyện về tác hại của tảo hôn; động viên các gia đình không cho con em tảo hôn. Nhờ đó, nhiều hộ đã hiểu và cam kết xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc”.
Tại huyện An Lão, mô hình trợ giúp pháp lý lưu động là giải pháp được Hội LHPN và các hội, đoàn thể liên quan lựa chọn để tuyên truyền, ngăn ngừa nạn tảo hôn. Năm 2021, mô hình này được thí điểm tại thôn 2, thôn 3 (xã An Vinh) và thôn 3, thôn 4 (xã An Quang) thu hút gần 100 người tham dự. Thông qua mô hình, Hội LHPN tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới... từ đó nhiều gia đình đã nhận ra rằng, tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải chấm dứt.
Cùng đó, việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền sao cho gần gũi với nếp sống văn hóa của người dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Theo Hội LHPN tỉnh, trong giai đoạn 2015 - 2020, các cấp hội đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 5.000 hội viên phụ nữ thuộc 8 huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, Hội còn phối hợp Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 5 điểm tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về chính sách dân số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho 500 hội viên phụ nữ các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn...
Giúp chị em sống tốt, sống khỏe
Muốn giảm thiểu tình trạng tảo hôn, bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và chị em người dân tộc thiểu số nói riêng, cần có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống cho họ. Chị Mai Thị Nga (thôn M6, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) là một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được Hội LHPN xã hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để chăn nuôi gia súc và trồng cây keo để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng sống. “Khi cuộc sống sung túc, no đủ hơn, nhận thức sẽ dần thay đổi. Mình luôn khuyên con cái thay vì lập gia đình quá sớm, việc làm chưa có sẽ lâm vào cảnh khó khăn, thì cần phải nỗ lực phát triển bản thân, sau này mới hạnh phúc, ổn định”, chị Nga chia sẻ.
Công tác chăm lo sức khỏe cho phụ nữ cũng được chú trọng. Chị em ở miền núi, vùng cao ít được tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đời sống vật chất cũng khó khăn hơn dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn và kết hôn khi chưa đủ tuổi. Vì vậy, nhiều đề án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ đã được triển khai. Có thể kể đến như mô hình “Can thiệp dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm VIA cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 - 49 dựa vào y tế xã” áp dụng tại xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) của TS Nguyễn Thị Như Tú (Phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Bình Định). Mô hình này giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung ngay tuyến cơ sở, tiết kiệm thời gian và chi phí cho chị em. Hết quý I/2021, có hơn 24.000 phụ nữ được phát hiện bệnh sớm. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 61/159 trạm y tế xã trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Hội LHPN còn đẩy mạnh việc tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, phát triển đời sống tinh thần cho chị em. Chị Thái Kim Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, cho biết: Thông qua các mô hình như “Phụ nữ nói không với tảo hôn”, “Phụ nữ dân tộc thiểu số với nông thôn mới”, “Thôn bình yên, gia đình hạnh phúc”, các hội viên, đặc biệt là chị em dân tộc thiểu số được tiếp cận với kiến thức về tảo hôn một cách gần gũi, dễ hiểu nhất, nhờ đó tạo thành mạng lưới tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người dân trong làng, xã bài trừ tảo hôn.
LINH DƯƠNG