Nhiều kỳ vọng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực từ Hội nghị này. Báo Bình Ðịnh lược ghi một số ý kiến tiêu biểu.
Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn tổng duyệt vở tuồng “Xử án Mộc Đài Sơn” vào cuối tháng 10.2021. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lão nghệ nhân NGUYỄN DƯ, thành viên Đội bài chòi cổ xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn):
Quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của nhân dân
Nói đến đời sống nhân dân ổn định không có nghĩa chỉ nói đến khía cạnh vật chất của cải mà cùng với đó còn là đời sống tinh thần. Chính vì vậy, tôi mong Đảng, Nhà nước quan tâm cụ thể, thiết thực hơn đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở địa phương để nhân dân có thêm “món ăn tinh thần”. Nếu lãnh đạo hay cán bộ văn hóa ở cơ sở mà có kiểu tư duy “hát múa, thổi kèn, đánh trống, cầm cờ…” là trò tiêu khiển, mua vui, tốn tiền thì khó có thể nói đến phát huy giá trị văn hóa. Như nghệ thuật bài chòi và tuồng là hai di sản quan trọng ở tỉnh ta, tôi nghĩ Nhà nước phải làm sao để giới trẻ hiểu - thích thì mới có thể nói đến chuyện chung tay giữ gìn. Như lâu nay đã làm tôi nghĩ chưa đủ!
Một điểm quan trọng phải làm sao xóa bỏ “vách ngăn” hưởng thụ văn hóa giữa miền biển, miền núi, đô thị, nông thôn; cái tốt đẹp xưa nay phải giữ gìn, phát huy hơn nữa, có như vậy thì xã hội mới phát triển và sự “soi sáng” của văn hóa mới phát huy được tác dụng. Còn nếu muốn nói đến ước muốn cụ thể, tôi mong Lễ hội cầu ngư và nghệ thuật bả trạo Bình Định được công nhận di sản văn hóa, từ đó Nhà nước có định hướng bảo tồn, phát huy di sản này.
NSND HOÀI HUỆ - nguyên Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:
Nên đào tạo khán giả đến với nghệ thuật truyền thống
Theo tôi, Nhà nước cũng như ngành Văn hóa phải đầu tư như thế nào cho đúng mức để giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc. Trước mắt là quan tâm con người, tạo điều kiện về chế độ, chính sách đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn để động viên văn nghệ sĩ gắn bó với nghề. Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng với nhu cầu biểu diễn. Khi đã được quan tâm đầu tư đời sống tinh thần lẫn trang thiết bị, cơ sở vật chất thì bản thân văn nghệ sĩ cũng cần phải tự sáng tạo hơn nữa, tìm tòi cái mới để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Điểm đặc biệt quan trọng là muốn thu hút khán giả thì phải “đào tạo khán giả”, tức là làm sao để giới trẻ dần tiếp cận nền văn hóa dân tộc. Muốn vậy, theo tôi thì chương trình đào tạo trong nhà trường theo từng cấp học nên cho học sinh tiếp cận với nghệ thuật truyền thống qua các tiết học; thứ hai nữa là các nhà hát, đơn vị nghệ thuật nên phối hợp đưa chương trình “Sân khấu học đường” vào trường học để giúp giới trẻ dần yêu thích văn hóa dân tộc.
Nhạc sĩ NGUYỄN THẾ TUYÊN, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định:
Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi
Ở Bình Định theo tôi, các tác phẩm văn học, nghệ thuật chưa phản ánh hết cuộc sống của nhân dân một cách sinh động và đầy đủ. Công cuộc đổi mới đất nước chưa được miêu tả bằng những tác phẩm nghệ thuật nói lên khát vọng phát triển quê hương mạnh giàu, trong đó có cả lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập tự cường. Còn quá ít những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của quê hương “đất Võ trời văn”.
Do đó, tôi kỳ vọng Đảng, Nhà nước sẽ có chủ trương, chính sách thiết thực đưa tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn, mọi người cùng đón nhận một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam. Quốc hội cũng sẽ sớm xây dựng và thông qua Luật về văn học nghệ thuật để làm cơ sở pháp lý cho giới văn học, nghệ thuật hoạt động thuận lợi. Chính phủ sẽ xây dựng chiến lược và kế hoạch, chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đồng thời ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới.
Tôi hy vọng tỉnh tiếp tục đầu tư và phát triển các nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa.
Nghệ nhân Ưu tú NGUYỄN PHÚ, cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước:
Quan tâm nhiều hơn để các nghệ sĩ, nghệ nhân bài chòi có thêm điều kiện lao động sáng tạo
Tôi hy vọng thời gian đến, nghệ thuật bài chòi dân gian nói riêng và các loại hình văn hóa nghệ thuật nói chung sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ.
Nghệ thuật bài chòi dân gian đã được UNESCO vinh danh, theo tôi để phát huy giá trị môn nghệ thuật này nhiều hơn nữa, cần nhân rộng toàn diện để bài chòi phục vụ công chúng nhiều hơn. Đồng thời, phải làm tốt công tác phát triển lớp nghệ nhân kế thừa, trước mắt là đưa nghệ thuật Bài chòi dân gian vào giảng dạy trong trường học nhằm giúp các em tiếp cận; qua đó phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, đam mê với bộ môn nghệ thuật này.
Nhà nước cũng nên quan tâm nhiều hơn đến đời sống của các nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động trong nghệ thuật này, có chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm tạo điều kiện để họ lao động sáng tạo nhiều hơn. Cùng với đó cũng nên tổ chức các hoạt động sưu tầm, bảo tồn, mở các đợt tập huấn và truyền dạy; tổ chức hội thi diễn xướng bài chòi, giao lưu nghệ thuật, nhằm phát hiện những nghệ nhân, hạt nhân, những diễn viên quần chúng để bổ sung vào lực lượng kế thừa của bài chòi tỉnh nhà.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN THANH QUANG:
Cần tôn vinh dấu ấn văn hóa riêng của Bình Định
Thời gian qua, tỉnh ta quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, như: Hệ thống tháp Champa; đền thờ tôn vinh các danh nhân Đào Duy Từ, Đào Tấn, Bùi Thị Xuân, Võ Duy Dương, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trung Trực… mang lại hiệu quả. Song, có một dấu ấn riêng chỉ Bình Định mới có - đó là Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ và Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) là nơi phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ - nhưng việc tôn vinh dấu ấn lịch sử này theo tôi vẫn còn rất ít.
Tôi mong sau này tỉnh nhà xây dựng bảo tàng mới khi đưa vào hoạt động sẽ hút khách hơn. Bảo tàng mới nên có một khu trưng bày dấu ấn nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; tỉnh cũng nên cho xây dựng một biểu tượng để tôn vinh dấu ấn lịch sử ra đời chữ Quốc ngữ. Nếu chúng ta có điều kiện phát triển thêm bảo tàng chuyên đề văn hóa Champa để lưu giữ giá trị đặc trưng riêng của Bình Định thì quá tốt, nhưng nếu không được như vậy, thì bảo tàng tỉnh sau này cần có khu trưng bày chuyên về văn hóa Champa hiện đại hơn để phục vụ công chúng.
Thạc sĩ NGUYỄN MINH DŨNG, Giám đốc Trung tâm Âm nhạc Dũng Piano:
“Cắm sâu bộ rễ tư duy” của mình vào nền tảng văn hóa dân tộc
Để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp đó, tôi nghĩ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cần “cắm sâu bộ rễ tư duy” của mình vào nền tảng văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa Bình Định để sáng tạo.
Chúng ta cũng cần tạo ra nhiều kênh truyền tải hiện đại, thích hợp với nhiều thế hệ công chúng để nhanh chóng đưa vào đời sống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sự ảnh hưởng qua lại, lẫn nhau là không thể tránh khỏi, nhưng trước khi tiếp thu cái mới cái tốt đẹp của thế giới tự ta phải làm giàu văn hóa truyền thống của người Việt. Tôi nghĩ cùng với việc nâng cao năng lực sáng tạo để phát huy giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn nghệ sĩ tỉnh nhà cũng cần chủ động tiếp thu có chọn lọc văn hóa của nhân loại, tạm ví von là có làm sâu rễ bền gốc thì mới có thể tỏa cành, vươn ngọn lên cao.
TRỌNG LỢI - NGỌC NHUẬN