Lan man quê
● Tản văn của TRẦN THU HÀ
Ngày theo cha về quê nội tôi mới mười một tuổi. Từ một thị trấn nhỏ ngoại thành Hà Nội không được coi là “phồn hoa đô hội”, vượt hơn ngàn cây số để đến một thung lũng hoang sơ bao quanh bốn bề là núi, quả thật là cú sốc lớn đối với mẹ và anh em tôi. Mẹ tôi đã khóc thật nhiều những ngày sau đó, còn anh em tôi thì lặng lẽ hòa nhập vào không gian mới. Thế rồi, theo ngày tháng, tâm lý mẹ cũng ổn dần và chúng tôi bắt đầu gầy dựng cuộc sống trên mảnh đất vừa đi qua chiến tranh được vài năm với vô vàn khó khăn không thể nói bằng lời. Công việc của cha mẹ ổn định, anh Hai tôi nhập học khóa I - Khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Quy Nhơn, anh Tư ở lại Quy Nhơn cùng anh Hai, tá túc nhà một người anh họ và học lớp 10 trường THPT Quang Trung. Nhưng chưa được bao lâu thì anh Tư phải chuyển về trường THPT vừa học vừa làm của huyện, sau khi anh Hai bị bệnh nặng phải nghỉ học về quê chữa bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn, mẹ tôi đã phải bán đi những kỷ niệm quý giá nhất của bà để có tiền chạy chữa cho anh Hai. Mỗi khi nhớ lại, sống mũi tôi vẫn cay cay. Anh Hai đã thành người thiên cổ hơn hai mươi lăm năm rồi, cha tôi cũng vừa theo tổ tiên về miền miên viễn...
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Tôi nhắc đến những tháng ngày đầu tiên ấy là muốn nói rằng, chính thực tế không nằm trong kỳ vọng đó đã vun đắp trong tôi những ước mơ thiện lành và giúp tôi trở thành một cô giáo dạy văn yêu nghề như bây giờ. Tôi đã trải qua vài biến cố của gia đình từ năm lên chín tuổi, tôi sớm quen với cuộc sống thiếu thốn trăm bề trong một gia đình công chức thời bao cấp, tôi đã từng tự ti vì không có một bộ quần áo đẹp như bạn bè, dù mẹ đã cố gắng hết sức để tôi không thua kém chúng. Sau này, dần lớn khôn, tôi thấy mình ích kỷ và tôi ngộ ra rằng, thực ra tôi đã hạnh phúc hơn bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa vào thời điểm đó.
Tôi nhớ như in ngọn đồi phía sau lưng nghĩa trang liệt sĩ, nơi tôi đã cùng những đứa trẻ trong xóm giữa phố huyện nghèo lượm củi khô, hái sim và cả những nắm lá giang non mướt ngai ngái mùi quê đem về nấu nồi canh cá cơm cho bữa trưa đạm bạc. Tôi nhớ như in hình ảnh tôi một thời cắp cái rổ con theo bạn bè đi cắt những cây rau dền, rau sam dại mọc bên vệ đường quê lấm bụi cho mẹ nấu cám heo. Tôi nhớ cả những lần đội mưa đi bán cho mẹ rổ ớt tươi chín đỏ vừa hái ở vườn nhà, trong ngượng ngùng, bối rối. Tôi nhớ những đêm dẫn đầu đoàn thiếu niên đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong cái thị trấn bé nhỏ của tôi hô vang những câu khẩu hiệu tuyên truyền, cổ vũ cho các sự kiện lớn của đất nước. Tôi nhớ cô bé là tôi, mũ ca lô đội lệch, xúng xính trong chiếc áo ka tê trắng và chiếc váy xanh quá khổ, đọc lời chúc mừng trong lễ dâng hoa đại hội Đảng của huyện nhà rồi cất vang giọng ca lảnh lót. Tôi nhớ những người bạn đã cùng tôi viết nên những trang viết quàng khăn đỏ đẹp như một giấc mơ. Và, tôi nhớ thời cấp ba vụng dại hay trốn học đi chơi, nhớ những ngày cắm trại rộn ràng, những đêm văn nghệ rực rỡ sắc màu… Tất cả vẫn vẹn nguyên trong ký ức tôi, bổi hổi và xao xuyến lạ.
Tôi thầm cảm ơn quê cha - miền đất trung du nắng bụi mưa bùn gắn với những cái tên lẫy lừng một thời kháng chiến: Gò Loi, Du Tự… đã cho tôi biết vui buồn đúng cách để tôi yêu thương hơn cuộc sống của mình và biết sẻ chia với bao mảnh đời khốn khó giữa mùa dịch giã trong hiện tại. Cảm ơn Hoài Ân của tôi!