Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh: Diện mạo mới, động lực mới
Cùng với trụ sở mới khang trang, hiện đại, hoạt động của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã có những bước chuyển đáng chú ý.
Một trong những hoạt động nổi bật trong năm 2021 của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trực thuộc Sở Nội vụ) là chỉnh lý, nâng cấp hoàn chỉnh tài liệu lưu trữ phông Sở Xây dựng tỉnh Nghĩa Bình giai đoạn 1975 - 1989 được 597 hồ sơ, tương đương 22,3 m giá tài liệu. Từ đó, phân loại, sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu theo phương án khoa học, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu và số hóa tài liệu đạt hiệu quả.
Tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định qua các thời kỳ được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử. Ảnh: N.V.T
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tu bổ, bồi nền, phục chế tài liệu phông Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Nghĩa Bình giai đoạn 1976 - 1989 được 251 trang văn bản, bảo đảm chất lượng, toàn vẹn, giữ được nội dung, thông tin đầy đủ, đưa vào kho lưu trữ để tiếp tục bảo quản, phục vụ khai thác theo quy định.
Trung tâm cũng đã số hóa tài liệu phông UBND huyện Tuy Phước giai đoạn 1975 - 2009; nghiệm thu toàn phông với 282 nghìn trang văn bản, đảm bảo chất lượng theo đúng quy chuẩn quy định, đưa vào lưu trữ trong máy chủ để thực hiện khai thác trực tuyến.
Kể từ ngày 1.10.2021, Trung tâm chính thức làm việc tại trụ sở mới ở số 12 đường Mai Hắc Đế (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Trên mảnh đất rộng rãi là tòa nhà khang trang, với khu hành chính gồm 4 tầng, khu nhà kho gồm 8 tầng, bước đầu đã được trang bị các phương tiện lưu trữ hiện đại.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Minh Nhật, toàn bộ hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, phương tiện bảo quản trong các kho tài liệu ở nơi cũ (nằm trong khu vực Văn phòng UBND tỉnh) đã được vận chuyển về trụ sở mới. “Qua đó, đảm bảo an toàn và được sắp xếp theo trật tự khoa học, ngăn nắp, chính xác theo đúng từng thời kỳ lịch sử, không làm lẫn lộn tài liệu giữa các phông lưu trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu và số hóa tài liệu đạt hiệu quả”, ông Nhật cho hay.
“Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cần phát huy lợi thế từ trụ sở mới khang trang, hiện đại, tiếp tục “làm mới” chính mình, sử dụng hiệu quả các kho tư liệu để ôn lại truyền thống, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Để làm được vậy, cần kết nối với các cơ quan, đơn vị như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH&TT, Trường ĐH Quy Nhơn, các bảo tàng, “địa chỉ đỏ”… để sưu tầm tài liệu, hiện vật mới và đưa đến phục vụ công chúng”.
Giám đốc Sở Nội vụ LÊ MINH TUẤN
Đi vào hoạt động tại trụ sở mới là bước ngoặt quan trọng để Trung tâm nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động. Điển hình là Lễ trưng bày tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định qua các thời kỳ được tổ chức ngày 4.11. Trung tâm giới thiệu một số bộ sưu tập về tài liệu, tư liệu tiêu biểu gồm: 76 hồ sơ, 34 ảnh, 35 sắc phong, 16 tài liệu mộc bản, 14 quyển hồ sơ di tích lịch sử của tỉnh, 12 tờ bản đồ và 38 quyển sách gia phả, tư liệu qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua tài liệu và tư liệu được trưng bày, mang tới cái nhìn khá toàn diện và đa chiều về lịch sử tỉnh Bình Định qua các thời kỳ: Phong kiến, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các hồ sơ về di tích của tỉnh được công nhận.
Theo ông Lê Xuân Cẩm, Quyền Giám đốc Trung tâm, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trước đây là Chi cục Văn thư - Lưu trữ) đã dày công, phối hợp hiệu quả với các địa phương trong, ngoài tỉnh và các trung tâm lưu trữ quốc gia để tổ chức sưu tầm, thu thập, bảo quản, giữ gìn các tài liệu, tư liệu quý, hiếm liên quan đến tỉnh Bình Định.
“Các tài liệu và tư liệu được trưng bày lần này có giá trị đặc biệt, có tác dụng rất lớn đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu khoa học, các nhà giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn, các học sinh, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này”, ông Cẩm chia sẻ.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ chú trọng tổ chức sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức các hình thức đa dạng để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ được số hóa phục vụ khai thác tài liệu trực tuyến; phục vụ độc giả tại phòng đọc mượn tài liệu nghiên cứu tại chỗ, cấp bản sao và chứng thực tài liệu lưu trữ.
NGUYỄN VĂN TRANG